LỜI MỞ ĐẦU
Bài viết tôi viết với mục đích sẽ làm bản đồ định hướng giúp thay đổi cuộc đời tôi và nếu có thể sẽ giúp thay đổi cuộc đời những người khác nữa. Tôi biết bài viết này là vô cùng giá trị với tôi, vì tôi viết vào đây những bí quyết thành công tôi cho là đúng đắn nhất, dễ thực hiện nhất để hoàn thành các mục tiêu, đạt được các Mục tiêu mà tôi hằng mơ ước. Quan trọng hơn, các bí quyết này chứa đựng các giá trị mà tôi thực sự coi trọng, tôi tự xây dựng chứ không chỉ là cóp nhặt từ những người khác, do vậy khi tuân theo nó thì tôi vẫn là chính mình, có thể không phải là phiên bản hoàn hảo trong mắt người khác, nhưng sẽ là phiên bản tốt hơn của chính tôi, tôi sẽ không bị mất đi bản chất thật của bản thân.
Bí quyết thành công mà tôi muốn nhắc tới đó chính là Triết lý M4K (bao gồm 5 bí quyết chính cấu thành), cụ thể như sau:
1. Mục tiêu: Làm việc gì cũng phải có Mục tiêu cụ thể. Mục tiêu chính là thứ ta định hướng cho hành động và là thứ để đo lường hiệu quả, đánh dấu các chặng đường ta đã đi qua.
2. Kaizen: Cải tiến liên tục theo từng bước nhỏ.
3. Kỷ luật: Là khả năng tự kỷ luật hay nói cách khác là khả năng kiểm soát bản thân.
4. Kỹ tính: Làm mọi thứ thật cẩn thận và chi tiết.
5. Kín đáo: Là việc tạo ra ngăn đóng, lớp vỏ ngăn cách bên trong và bên ngoài; có một khoảng cách nhất định giữa cảm xúc bên trong và bên ngoài. Có những thứ ta cho phép nó đi qua, có những thứ thì không. Kín đáo không phải là tạo ra vỏ bọc giả tạo mà là tạo ra vỏ để kiểm soát cảm xúc bản thân, giúp cho không phải cảm xúc nào cũng tuôn ra và không phải môi trường nào cũng tác động đến ta. Sự kín đáo này giúp ta độc lập về mặt cảm xúc, nó cũng chính là lớp bảo vệ ta khỏi những khó khăn của cuộc sống này. Chỉ có kín đáo, ta mới trách khỏi những mũi dùi tấn công của những kẻ dỗi hơi tồn tại tràn lan trong thế giới ngày nay.
Trên đây là khái niệm cơ bản nhất về Triết lý M4K.
PHẦN I. MỤC TIÊU
1. Biết cách xác định Mục tiêu là gì
Mục tiêu là những gì ta mong muốn đạt được, là dấu mốc ta hướng đến khi thực hiện các công việc. Làm việc là phải có Mục tiêu, mỗi công việc sẽ luôn dễ bị bỏ dở khi không có một cái đích nào về Mục tiêu.Việc đã đặt ra là phải được hoàn thành, nếu không hoàn thành tức là thất bại. Đó là khái niệm về Mục tiêu.
Tuy nhiên mục tiêu khác mong muốn ở chỗ mục tiêu có thể hoàn thành còn mong muốn chỉ là “mơ giữa ban ngày”. Sự khác biệt cơ bản giữa một người thành công và một người thất bại là người thành công biết cách xác định các mục tiêu phù hợp, phương pháp để hoàn thành, công thêm nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu. Còn người thất bại chỉ biết sống với những ước mơ viển vông của bản thân mà thôi.
2. Tại sao phải biết cách xác định các Mục tiêu
Mục tiêu giúp ta ghi dấu được các bước, sự tiến bộ của ta trong công việc. Có việc sẽ cho ra Mục tiêu ngay: Viết một đoạn văn, viết một văn bản, bê đống gạch. Nhưng có những thứ không thể nào đạt được mục tiêu ngay lập tức. Mục tiêu trở nên giàu có, trở thành sáu múi, giỏi tiếng Anh dễ làm ta bỏ cuộc. Những mục tiêu không thể hoàn thành ngay lập tức dễ làm ta bỏ cuộc, mà trớ trêu là những thành công vượt trội và xuất sắc thường chỉ đến với những người biết cách hoàn thành những mục tiêu xa.
Do vậy, biết cách xác định các Mục tiêu cần đạt được là bước rất quan trọng giúp ta luôn đi đúng hướng, cũng như có thể động lực đi để đi đến thành công.
3. Phương pháp xác định các Mục tiêu
Để Mục tiêu có hiệu quả cần được xây dựng theo nguyên tắc sau:
3.1. Hình dung về Mục tiêu công việc trước khi bắt đầu công việc. Hình dung về sự sung sướng khi ta hoàn thành mục tiêu. Việc này giúp ta có thêm động lực để hoàn thành mục tiêu và việc hình dung sẽ giúp ta xác định được ngay liệu mục tiêu có đáng để ta nỗ lực hoàn thành không.
3.2. Xác định rõ Mục tiêu nào là ngắn hạn và Mục tiêu dài hạn:
- Mục tiêu ngắn hạn: Đọc một cuốn sách, chạy 100m.
- Mục tiêu dài hạn: Thói quen đọc sách, thể lực tốt.
Mỗi Mục tiêu ngắn hạn sẽ ảnh hưởng và có vai trò nhất định trong Mục tiêu dài hạn. Cả 2 loại Mục tiêu đều quan trọng. Mục tiêu dài hạn là mục đích của Mục tiêu ngắn hạn; Mục tiêu dài hạn định hướng cho Mục tiêu ngắn hạn. Mục tiêu ngắn hạn là tiền đề để có Mục tiêu dài hạn.
3.3. Xác định rõ cái giá phải trả để hoàn thành mục tiêu; việc này cần ta phải trung thực với bản thân, ta có sẵn sàng sàng đánh đổi để hoàn thành mục tiêu không. Nhiều khi ta mong ước nhiều, đặt ra nhiều mục tiêu dựa trên các mong ước đó mà không xác định được rõ cái giá phải trả, đến khi thực sự thấy được cái giá phải trả quá lớn đến nỗi ta không còn thấy hạnh phúc khi hoàn thành mục tiêu hoặc từ bỏ nỗ lực hoàn thành mục tiêu dù việc này đang dang dở, làm lãng phí rất nhiều thời gian và nguồn lực đã bỏ ra. Do vậy việc hạn chế các mục tiêu cũng là việc rất quan trọng trong việc xác định mục tiêu.
3.4. Xác định rõ Mục tiêu giúp ta tăng khả năng hoàn thành mục tiêu. Việc tiếp theo là ta cần xây dựng cho mình tinh thần hoàn thành mục tiêu. Có rất nhiều loại người khi bắt đầu thì hăng há(tôi là một ví dụ điển hình), khi gặp khó khăn thì buông xuôi. Làm không ra một Mục tiêu nào cả, năm này qua năm khác. Lại có rất nhiều người thích rất nhiều (trở thành nhà văn nổi tiếng; trở thành người giầu có) nhưng lại không chịu nỗ lực hoàn thành một Mục tiêu nào. Viết một đoạn văn cũng chưa, tiết kiệm một chút tiền cũng không, cho nên không thể trở nên giầu có được.
3.5. Việc xác định Mục tiêu cần đáp ứng các tiêu chí sau:
- Có thể hoàn thành được mà không trông cậy vào sự may rủi, không chịu nhiều sự tác động của hoàn cảnh bên ngoài, mục tiêu chỉ nằm trong khả năng ta có thể kiểm soát được.
- Mục tiêu phải cụ thể để có thể ghi nhận khi ta hoàn thành. Đồng thời mục tiêu nên dễ thực hiện. Cái quan trọng của mục tiêu không phải ở việc nó vĩ đại cỡ nào mà mục tiêu quan trọng ở việc giúp ta có thể hoàn thành và đi đúng hướng.
- Mục tiêu nên có thời hạn xác định để hoàn thành, nếu không có thời hạn, mọi việc rất dễ sao lãng.
- Mục tiêu cần phải được viết ra.
- Mỗi mục tiêu cần được sắp xếp sao cho nó phục vụ cho một mục tiêu lớn hơn.
- Có nhiều cấp độ mục tiêu: Mục tiêu cuộc đời 15 -20 năm, mục tiêu 5 năm mục tiêu 1 năm, mục tiêu tháng, mục tiêu tuần, mục tiêu ngày. Đối với người mới bắt đầu việc hoàn thành mục tiêu ngày có thể rất khó, tôi khuyến nghị không nên dùng. Ta nên bắt đầu với 4 mốc mục tiêu cơ bản là tuần, tháng, năm và 5 năm. Mục tiêu cuộc đời 15 – 20 năm hơi khó hình dung, cuộc sống thì có quá nhiều biến động nên nếu viết ra có lẽ cũng không có ích lợi gì.
PHẦN 2. BÍ QUYẾT KAIZEN (Cải tiến liên tục theo từng bước nhỏ)
1. KAIZEN LÀ GÌ
Kaizen là triết lý của Nhật trong việc phát triển cá nhân và doanh nghiệp. Kaizen chính là cải tiến từng bước nhỏ nhưng liên tục.
2. KAIZEN CÓ GÌ HAY
Cái hay của Kaizen nằm ở hai từ “nhỏ” và “liên tục”. Thông thường con người ta khi muốn thay đổi họ thường muốn tìm đến các giải pháp “lớn” và “đột phá” hay còn gọi là các giải pháp “cách mạng”, tuy nhiên những giải pháp này hiếm khi thành công hoặc nếu có thành công thì cái mất cũng nhiều không kém gì cái được, thực sự các cuộc cách mạng quá mạnh mẽ, hay bạo lực luôn tiềm ẩn rủi ro về sau.
Ví dụ: Về quốc gia ta có thể nói đến “Đại nhảy vọt” của Trung Quốc hay “Toàn dân làm gang thép” của Việt Nam đều đem lại những bước lùi cho quốc gia. Một người muốn đẹp thay vì ăn nhiều rau xanh,chăm tập thể dục lại tìm đến các giải pháp hút mỡ, thẩm mỹ, tất cả đều sẽ đem lại hậu quả lâu dài về sau.
Kaizen trái lại đặt các mục tiêu nhỏ, dễ hoàn thành, những mục tiêu có tính định hướng về một mục tiêu lớn, nhưng được chia thành những chặng nhỏ hoặc rất nhỏ để có thể thực hiện được dễ dàng mà không cần phải sự gồng lên của ý chí. Việc này dễ thực hiện hơn nhiều.
3. ÁP DỤNG KAIZEN
Khi gặp vấn đề khó giải quyết ta dùng Kaizen giải quyết các vấn đề theo từng bước:
3.1. Suy nghĩ nhỏ tìm ra giải pháp dễ thực hiện.
3.2. Đặt ra các mục tiêu nhỏ để có thể thực hiện dễ dàng và có thể sớm thấy được kết quả hoàn thành mục tiêu.
3.4. Bắt tay vào hành động, tập thói quen hành động nhỏ trước, trước khi chính thức tham gia. Cũng giống như dò chân vào nước lạnh, muốn tắm trong hồ nước lạnh ta cần dò chân xuống trước khi nhảy ùm xuống, nếu nhảy ùm vào ngay rất dễ bị sốc nhiệt. Ví dụ khi muốn học bài mà thấy ngại ta chỉ cần nói với bản thân chỉ cần 5 phút thôi cũng được.Sau 5 phút ngồi vào đó, ta dễ dàng thực hiện thêm.
3.5. Thường xuyên đánh giá để ghi nhận các bước tiến nhỏ, trân trọng từng thànhthấy quả mà ta đạt được, tin tưởng rằng từng thành quả nhỏ sẽ đem lại thành quả lớn.
Thí dụ 1: Thực hiện Kaizen trong học tiếng Anh
Mục tiêu lớn: Mục tiêu đạt 600 TOEIC, thực tế mới đạt 450 TOEIC, áp dụng Kaizen:
Mục tiêu nhỏ: Mỗi tuần dành ra 45 phút học tiếng Anh,tuần ít nhất 3 lần học mỗi lần 15 phút.
Khi học đánh dấu lịch học để biết được quá trình học tập.
Sau 4 tuần đầu tiên thực hiện: Nâng dần cấp độ học tiếng Anh.
Thí dụ 2: Kaizen trong giao tiếp (dành cho người nhút nhát kém trong giao tiếp)
Mục tiêu lớn: Tăng cường khả năng giao tiếp chân thành mở rộng mối quan hệ.
Mục tiêu nhỏ: Mỗi ngày cố gắng hỏi ai đó 1 câu (chỉ 1 câu thôi) hỏi mở sau đó học cách lắng nghe chân thành. Lưu ý hạn chế các câu hỏi kiểu đóng mở. Nếu ban đầu chưa quen thì đưa vào mục tiêu công việc hàng ngày.
Công thức câu hỏi mở: (Tình hình bây giờ …./Hiện nay đang …/) thì (bạn xử lý như thế nào…tình hình ra sao….).
Sau khi hỏi cố gắng lắng nghe một cách tập trung và chân thành.
Việc này lâu dần sẽ hình thành thói quen gợi mở và lắng nghe trong giao tiếp.
Lưu ý: Nếu bạn vẫn quá nhút nhát hoặc ngại giao tiếp có thể thay thế bằng việc nhắn tin hoặc gọi điện. Túm lại hãy hành động dù nhỏ thôi cũng được.
PHẦN 3. KỶ LUẬT (Khả năng kiểm soát bản thân)
1. KỶ LUẬT LÀ GÌ
Kỷ luật là khả năng hành động theo kế hoạch, mục tiêu đã đề ra trước đó, bất kể bạn đang ở hoàn cảnh nào, cảm xúc cá nhân ra sao. Kỷ luật sẽ khiến bạn hy sinh những khoái cảm và vui thú hiện tại để đạt được những điều quan trọng hơn. Trong công việc tính kỷ luật giúp nhân sự làm tốt công việc, làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm hơn. Kỷ luật có thể do bản thân tự đề ra, cũng có thể do doanh nghiệp quy định trước.
2. KỶ LUẬT CÓ GÌ HAY?
Nếu bạn muốn tự do thì bạn cần phải có kỷ luật. Bạn càng kỷ luật bản thân bao nhiêu thì bạn càng có thể làm những gì mình muốn. Có thể ban đầu kỷ luật chỉ là làm những gì mình bắt buộc phải làm chứ không hề mong muốn, nhưng sau này khi càng làm nhiều hơn, bạn nhận ra đó là những điều hoàn toàn đúng đắn, bạn sẽ thấy mình ngày càng giỏi hơn, bản lĩnh hơn và tự nguyện thực hiện kỷ luật hơn. Đó chính là nền tảng của thành công.
3. ÁP DỤNG TỰ KỶ LUẬT
Kỷ luật gồm 3 mặt chính sau:
- Kiên trì các thói quen tốt;
- Kiên quyết từ bỏ các thói quen xấu;
- Kiên định với các mục tiêu đặt ra.
Việc áp dụng kỷ luật là vô cùng khó nên nguyên tắc là phải áp dụng lên bản thân từ từ và có ghi nhận quá trình thực hiện. Muốn áp dụng kỷ luật cần ghi nhớ 03 nguyên tắc:
- Không ép mình vào kỷ luật quá khắc nghiệt ngay lập tức vì như vậy sẽ dễ dẫn đến phản ứng mất kỷ luật.
- Cân nhắc kỹ trước khi đặt ra cho bản thân một kỷ luật nào đó. Xác định rõ kỷ luật đặt ra là để thực hiện cho đúng dù cho có bất cứ hoàn cảnh nào xảy ra do vậy phải cân nhắc rất kỹ trước khi định đặt ra kỷ luật nào đó cho bản thân.
- Khi thực hiện kỷ luật cần có một hệ thống để ghi dấu thành công, đánh dấu những bước đã đi qua, có như vậy ta mới có thể kiên trì áp dụng kỷ luật.
Những ví dụ về việc đặt ra kỷ luật hợp lý nhưng lại vô lý:
- Tập thể dục 30 phút mỗi ngày: Gần như ít người thực hiện được do: Để chuẩn bị đồ tập đã mất nhiều thời gian; thời gian tắm rửa thay đồ mất thêm 30 phút. Như vậy tập thể dục 30 phút mỗi ngày thực chất ta mất 90 phút mỗi ngày cho việc tập thể dục mà điều này gần như là không thể trong cuộc sống bận rộn ngày nay. Do vậy ta nên thay thế bằng kế hoạch “dễ thở” hơn như tập thể dục 5 phút mỗi ngày hoặc tập thể dục 3 buổi tuần; mỗi buổi ít nhất 30 phút.
- Đọc sách 30 phút mỗi ngày (có vẻ dễ thực hiện) nhưng thực sự rất ít ai làm được, ta nên đặt ra yêu cầu dễ dàng hơn đọc sách 5 phút mỗi ngày hoặc, 3 buổi một tuần. Mỗi tuần cần có ít nhất 30 phút để viết sách hoặc lên kế hoạch công việc.
PHẦN 4. KỸ TÍNH (Thói quen làm việc cẩn thận và chi tiết)
1. Khái niệm của kỹ tính
Kỹ tính (hay còn gọi là thói quen làm việc cẩn thận và chi tiết) có nghĩa là tập trung và một hành động hay một điều gì đó. Điều này có nghĩa là khả năng chú tâm vào từng chi tiết nhỏ, là cách để làm việc tập trung, hiệu quả và giảm thiểu các rủi ro.
2. Tại sao cần kỹ tính
Kỹ tính là nguồn gốc của chất lượng, của sự xuất sắc: một sản phẩm tốt, một dịch vụ tốt, một kỹ năng tốt luôn ẩn trong mình là sự kỹ tính, chu toàn, tỉ mỉ ở trong đó.
Một người có trí lực trung bình, thể lực trung bình về cơ bản có thể hoàn thành được các mục tiêu trung bình, đi học thì là học sinh tiên tiến, tốt nghiệp đại học làng nhàng, đi làm công việc đơn giản, khi ta không có sự học cẩn thận chi tiết thì ta không thể xuất sắc được và nếu không xuất sắc thì cũng không thể thu được kết quả vượt trội. Ai cũng có thể đá bóng nhưng để đá bóng giỏi thì lại là chuyện khác đó sự rèn luyện từng bước chạy, từ cách vung chân, từ cách sút bóng, từ rất nhiều giờ luyện tập lặp đi lặp lại từ các bước cơ bản cộng thêm một chút năng khiếu mới có thể có được sự xuất sắc.
Một chiếc túi chất lượng cao, hàng hiệu có thể hoàn toàn giống với một chiếc túi chất lượng thấp về khối lượng, kiểu dáng nhưng khác biệt chi tiết về đường khâu, mũi chỉ, chất liệu. Và một chiếc túi chất lượng cao có thể đắt gấp 10 lần chiếc túi chất lượng thấp. Tất cả không phải ở bề ngoài mà là sự chi tiết bên trong, sản phẩm chất lượng cao chỉ đến từ một quy trình sản xuất được xây dựng vô cùng cẩn thận và chi tiết.
“Theo đuổi sự xuất sắc, tiền sẽ theo đuổi bạn”
3. Làm thế nào để xây dựng được sự kỹ tính
Kỹ tính về cơ bản nó cũng giống như một dạng năng khiếu, có người sinh ra đã có và có người không, thông thường những người kỹ tính sẽ thu được thành công lớn hơn nhưng người cẩu thả (trừ trường hợp của những thiên tài). Giáo dục Việt Nam đã vô cùng sai lầm khi hay đề cao sự xuất sắc của những thiên tài như Mozart, Anhxtanh… mà quên mất rằng điều đó không thực sự cần thiết, một đứa trẻ bình thường chỉ nên được học về những tấm gương vươn lên bằng nghị lực trong cuộc sống. Thiên tài thì thường bất hạnh, nhưng sống cẩn thận,chu đáo thì thường sẽ có hạnh phúc trọn vẹn, Chirstian Ronaldo là một ví dụ.
Vậy làm thế nào để một người bình thường không có nhiều tư chất, cũng không có tính cách kỹ tính khi sinh ra có thể vươn lên xuất sắc, chỉ có thể thông qua rèn luyện. Phương pháp rèn luyện sự kỹ tính có thể áp dụng hiểu quả bao gồm:
3.1. Ghi chép, ghi chú thường xuyên
Việc ghi chép và ghi chú những gì ta nghĩ hay những gì ta cần phải nhớ giúp ta ngày càng cẩn thận hơn, ta sẽ tự học được cách tư duy có hệ thống hơn và không quên việc hơn.
3.2. Cố gắng chú tâm vào từng việc một
Khi làm việc mà sao lãng nghĩ về những công việc khác rất dễ mắc sai lầm, ta phải tập trung vào từng việc một, dành cho nó một khoảng thời gian nhất định thì mới tiến bộ được. Có thể ban đầu việc chú tâm vào công việc rất khó, ta cần áp dụng việc chú tâm trong 10 phút/một việc sau đó khi đã quen có thể nâng dần lên.
3.3. Kiểm tra công việc
Mỗi công việc mình làm nên có sự kiểm tra 02 lần; tại hai thời điểm khác nhau. Đặc biệt đối với những công việc dễ sai sót.
PHẦN 5. KÍN ĐÁO
1. Kín đáo là gì?
Kín đáo là sự tự kiểm soát bản thân che giấu đi các mặt cụ thể sau:
– Che giấu bớt cảm xúc: Con người cần phải che giấu cảm xúc, không nên để lộ ra các cảm xúc như vui mừng, sợ hãi, hay lo lắng nhất là trong công việc. Việc tránh bộc lộ cảm xúc không phải làm việc ta làm cho các cảm xúc đó biến mất mà là không để lộ các cảm xúc đó ra ngoài. Người biết sợ không phải là người không biết sợ mà là người khống chế được nỗi sợ của mình, không để nỗi sợ làm hỏng việc.
Muốn che giấu kiểm soát được cảm xúc của bản thân ta cần phải trung thực và thấu hiểu được cảm xúc của mình. Ví dụ khi sợ ta phải hiểu rõ là ta đang sợ, biết được rằng ta sợ ta có thể có cách hành động khác hơn là ta giả vờ rằng mình không sợ. Ví dụ như khi ta sợ thi trượt ta sẽ đối phó bằng cách ôn bài cẩn thận hơn, còn khi ta giả vờ không sợ ta sẽ không chú tâm học hành mà chỉ giả vờ tự tin khi đi thi. Ta công nhận rằng ta sợ giao tiếp ta sẽ cẩn thận chuẩn bị kỹ cho mỗi lần giao tiếp, hạn chế các giao tiếp không cần thiết. Như vậy sẽ tốt hơn nhiều lần là ta giả vờ không sợ mà không chuẩn bị gì cho nó.
– Kiểm soát ham muốn: Trong cuộc sống, ta có rất nhiều ham muốn, trong đó có ham muốn thỏa mãn thể xác, ham muốn thành tích, ham muốn lời ngợi khen, ham muốn có tiền. Vì những ham muốn này ta muốn nhanh chóng đến đích. Tuy nhiên nhiều khi không thể đạt được như vậy. Trong công việc, sự ham muốn khoe khoang thành tích không giúp ích được gì cho bản thân, khi kết quả công việc của ta đáng để được ghi nhận nó sẽ được ghi nhận.
– Về cách làm việc, cách làm việc của bản thân ta có tốt đến mấy cũng chỉ là do bản thân ta tự nghĩ ra, ta không nên chủ động hướng dẫn người khác trừ trường hợp được yêu cầu.
– Tiền của bản thân dù ít hay nhiều cũng nên che dấu, người khác sẽ có cách tự đánh giá về bản thân ta, việc ta khoe ra thật sự ngu ngốc.
2. Tại sao phải kín đáo
Chương này viết ra để những con người trung thực và tốt bụng có thể vươn lên, thực sự bảo vệ được bản thân trước sự khốc liệt của cuộc sống. Thực sự nếu thế gian này toàn người tốt, toàn những người biết cảm thông cho người khác, thì chương này hoàn toàn không cần thiết, nhưng thực tế đáng tiếc lại không như vậy, thế gian này như các bạn đã biết nó tràn ngập những con người lươn lẹo, xấu bụng, hay tọc mạch đến mức ác độc. Hãy nhìn ví dụ như việc làm từ thiện thì sẽ rõ: đó là việc làm rất tốt xét theo bất cứ khía cạnh nào nhưng thiên hạ vẫn lắm ý kiến khen chê, thì những việc ta làm cho bản thân ta họ sẽ tọc mạch và dè bỉu đến thế nào.
Loài rùa có mai, loài tôm có vỏ, con người cũng có quần áo, ai cũng cần kín đáo để bảo vệ khỏi những tác động từ bên ngoài. Nếu ta cứ thể hiện bản thân như ta vốn có vui là vui, buồn là buồn thì có ai khen ta không hay ta chỉ như đứa trẻ con không kiểm soát được cảm xúc. Nếu ta có một cách làm hay ho ta nghĩ ra được rồi chia sẻ cho người khác thì còn có giá trị gì không. Trò ảo thuật sẽ không ai xem nếu ai cũng biết mánh khóe của nó. Sống ở đời phải trang bị cho mình bộ mặt dày để che giấu bớt nội tâm của mình. Nếu có thể ta hãy che giấu mọi thứ thuộc về cá nhân trừ trường hợp cần thiết bị bắt buộc phải đưa ra.
Nói chung ta không nên khoe khoang kỹ năng hay hiểu biết của mình, ai muốn học ta thì cần phải trả tiền cho việc đó và ta cũng phải nhận thấy họ xứng đáng được học nó, ta chỉ nên dạy những người xứng đáng mà thôi, những kẻ không xứng đáng chỉ khiến nguyên tắc của ta bị mai một.
Một mục tiêu, một mong ước được đặt ra cũng nên thật kín đáo, ta nên nuôi dưỡng nó trong lòng, hoặc tự mình chuẩn bị các bước thật vững chắc cho mong ước đó. Nếu cho những kẻ dèm pha biết được mong ước đó thì rất dễ làm mong ước đó bị thất bại mà những kẻ như vậy có rất nhiều. Khi ta phải về nói về một cái đích ta không nên nói về cái đích thực sự của bản thân mà nên nói về cái đích mọi người có thể hiểu được và có thể đi theo được.
3. Áp dụng Nguyên tắc Kín đáo
Áp dụng nguyên tắc:
– Hạn chế thể hiện sự hiểu biết của bản thân, chỉ nói ra những lúc thấy cần thiết.
– Kìm lại ý định khuyên bảo, giúp đỡ người khác trừ trường hợp họ yêu cầu. Khi làm ra làm ra sản phẩm tốt, cần lưu lại cho đến khi bắt buộc phải đưa ra, hoặc làm nhanh nhưng chỉ nên đưa sản phẩm cho đến khi đến hạn, thời gian làm xong sớm nên xem xét lại mọi thứ cho thấu đáo. Đối với mục tiêu và mong ước của bản thân nên nói ra càng ít càng tốt.
– Không nên chia sẻ cảm xúc của mình cho những người khác. Đặc biệt là các cảm xúc sau: Lo lắng, sợ hãi, vui mừng/hào hứng. Nếu cần chia sẻ thì nên thay các cảm xúc này bằng các từ:
- Lo lắng -> Cần quan tâm.
- Sợ hãi -> Phải xem xét cẩn thận
- Vui mừng/hào hứng -> Đó là việc tốt.
– Việc hạn chế chia sẻ cảm xúc không biến bạn thành vô cảm mà là giúp bạn suy xét tình huống thấu đáo hơn, đồng thời cũng tránh bị người khác dòm ngó, bắt thóp điểm yếu của bản thân.
Triết lý kín đáo này từ thực tế trải nghiệm, tôi hiểu rằng so với 4 triết lý trên cái nhìn về cuộc sống của triết lý này có phần hơi u tối. Nhưng đó là những gì tôi thực sự trải nghiệm vào lúc này, hiểu được thực sự là “cuộc sống này chính là biển, nó có xu hướng dìm ta xuống”, đa số con người (không phải tất cả) sẽ muốn đẩy ta xuống hơn là muốn nâng ta lên, do vậy ta phải học cách bơi trong biển người.
Thế giới chính là biển nó sẽ dìm những người không biết bơi cho chết chìm và là lực đẩy cho những ai biết bơi; và những ai có thuyền sẽ tự do phiêu bạt khám phá thế giới. Bạn nên hiểu, biết bơi cũng chỉ là dựa vào sức của một mình để vùng vẫy thực sự nó cũng rất giới hạn và bạn cũng sẽ nhanh kiệt sức. Cái chính để sống với biển là phải có bờ để quay về và có thuyền để ra khơi.
Bờ về cơ bản chính là gia đình của bạn, không một người đàn ông hay phụ nữ nào sống không cần gia đình, nếu không có gia đình ta sẽ nhanh chóng mất phương hướng vì không biết mình cố gắng vì điều gì.
Thuyền chính hệ thống kinh doanh (doanh nghiệp riêng), mạng lưới quan hệ (bạn biết những ai, những ai sẵn sàng lắng nghe và làm việc với bạn, những ai tin tưởng bạn) và các dòng tiền thụ động (tiền thu được mà cần ít thời gian quản lý – thông qua đầu tư). Nếu có thuyền lớn ta sẽ được an toàn trước sóng gió của biển và tiến tới bất kỳ nơi nào ta muốn. Chấp nhận chết chìm hay làm chủ biển cả đều phụ thuộc vào chính ta mà thôi. Mà thực sự để thuyền có thể nổi được thì điều quan trọng nó phải kín và không để nước tràn vào. Nếu một con thuyền làm từ vật liệu ngấm nước ắt nó không thể nổi lâu dài được. Điều quan trọng ta phải giữ cho mình không bị tác động nhiều bởi môi trường xung quanh, nhưng lại phải biết lợi dụng môi trường xung quanh để nổi lên, đây là việc rất khó.
Để dễ hiểu tôi xin gợi đặt các nguyên tắc sau để bảo vệ chính mình:
– Không tỏ ra hơn người, vượt hơn người khác: Sự ghen tỵ là thứ dễ kéo người ta xuống. Sự xuất sắc rất dễ được nhận biết do vậy ta không cần thiết phải tự khoe khoang, hãy để mọi người tự nhận ra sự xuất sắc của ta.
– Luôn khiêm tốn và biết xin sự giúp đỡ của người khác khi cần thiết, kiêu ngạo là thứ giết chết ta nhanh nhất.
– Để tự tin, ta không nên trông chờ vào sự tự tin giả tạo. Tự trao dồi bản thân là cách nhanh nhất để tăng sự tự tin.
KẾT LUẬN
Vậy là đã đã trải qua bài viết dài về bí quyết thành công, có thể so với các tác giả khác nó còn thô vụng trong câu chữ, nhưng trải qua nhiều va vấp trong cuộc sống tôi tin là nó vẫn đầy đủ giá trị cho bạn và tôi sử dụng. Có điều chắc chắn là dù bí kíp võ công thượng thừa đến đâu cũng cần bạn phải dụng công luyện tập và áp dụng mới thành thục được. Dù là bản đồ kho báu cũng cần bạn phải bước ra ngoài và bắt đầu tìm kiếm. Do vậy, muốn bí quyết trở thành hiện thực thì ta phải thực hành và áp dụng. Thực hành thế nào là do cách của bạn. Hãy bắt đầu với những mục tiêu nhỏ trước và tích lũy dần từng ngày. Khi quay đầu nhìn lại thì ta thấy ta đã đi được 01 chặng đường rất dài.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG!
Một bài học khá giá trị, cảm ơn admin