I. Nguồn gốc của lý thuyết Dow:
Lý thuyết Dow khởi nguồn từ 1 nhân vật nổi tiếng của chứng khoán Mỹ – Ông Charles Dow. Ông Dow chính là người sáng lập ra chỉ số Dow – Jones (cùng với cộng sự Jones).
Lý thuyết Dow không có sách hay tài liệu thống nhất mà đó là quan điểm của Ông Dow được các nhà phân tích và bình luận về sau tổng hợp từ các bài viết, phát biểu của ông mà hình thành nên.
Thời gian xuất hiện của Lý thuyết Dow có từ cuối thế kỷ 19, và như vậy thời gian tồn tại của nó là hơn 1 thế kỷ.
II. Nội dung của Lý thuyết Dow:
1.Giá cả phản ánh mọi thứ trên thị trường
– Giá cả hay hiểu đúng hơn là sự biến động giá cả chứng khoán có thể phản ánh mọi thứ liên quan đến hoạt động của công ty có chứng khoán đó.
– Công ty hoạt động tốt thì có giá cao và ngược lại.
– Công ty có tiềm năng tăng trưởng thì giá cả có xu hướng tăng và ngược lại.
2. Thị trường có ba xu hướng chính
– Xu hướng:
o Xu hướng tăng khi mức giá đỉnh cao hơn mức giá đỉnh trước;
o Xu hướng giảm khi mức giá đáy thấp hơn mức giá đáy trước.
– Thị trường có các xu hướng được phân cấp
o Xu hướng chính: Kéo dài vài năm;
o Xu hướng trung gian: 6 tháng đến 1 năm;
o Xu hướng ngắn hạn: vài tuần.
– Xu hướng chính có 3 giai đoạn:
o Giai đoạn tích lũy: diễn ra khi các nhà đầu tư có hiểu biết, chủ động mua các cổ phiếu của Công ty, trái ngược với các ý kiến của thị trường. Nếu xu hướng trước đó đang giảm thì trong giai đoạn này các nhà đầu tư nhanh trí sẽ nhận ra rằng thị trường đã “tiếp nhận” hết tất cả các tin tức tồi tệ rồi. Giai đoạn này giá cổ phiếu tăng không đáng kể do số lượng người mua ít trong khi cung ra thị trường còn khá nhiều.
o Giai đoạn thâm nhập vào công chúng: Khi công chúng nhận thấy các nhà đầu tư trên đã đúng, người ta đổ xô đi mua các cổ phiếu này dẫn tới sự tăng đột biến về giá trong giai đoạn 2. Xu hướng này sẽ kéo dài cho đến khi nhu cầu đầu cơ trên thị trường đạt mức cực đại. Lúc này, khi báo chí bắt đầu đưa tin về sự tăng giá của cổ phiếu và sự tích cực của nền kinh tế cũng như sự gia tăng về khối lượng đầu cơ và các nhà đầu tư khôn ngoan sẽ bán cổ phiếu của họ ra thị trường, và bắt đầu giai đoạn 3 của thị trường – Giai đoạn phân phối.
o Giai đoạn phân phối: Những nhà đầu tư vốn đã tích lũy ở thời điểm thị trường chạm đáy (là lúc không ai muốn mua vào) bắt đầu phân phối ra bên ngoài trước khi có người khác khởi động việc đó.
3. Các chỉ số trung bình phải củng cố lẫn nhau
Để xác định xu hướng thì các chỉ số trung bình phải biến động theo cùng chiều của xu hướng đó. Ở Việt Nam, ta có thể hiểu là chỉ số VN – Index, HNX – Index, Upcom, Vn- Index 30, HNX – Index 30 phải biến động cùng chiều với nhau, thì mới có thể dự đoán xu hướng bắt đầu hình thành.
4. Khối lượng giao dịch phải xác nhận xu hướng
Dow công nhận khối lượng giao dịch là một yếu tố đứng thứ hai nhưng không kém phần quan trọng trong việc xác nhận tín hiệu giá. Có thể nói đơn giản rằng, khối lượng giao dịch sẽ gia tăng theo hướng phát triển của xu hướng chính. Trong một xu hướng tăng, khối lượng giao dịch sẽ tăng khi giá tăng lên, và giảm khi giá giảm.Trong một xu hướng giảm, khối lượng giao dịch sẽ tăng khi giá giảm và giảm khi giá phục hồi mức tăng.
5. Một xu hướng được cho là sẽ tiếp diễn cho đến khi được cho là có tín hiệu đảo chiều
Câu này hơi khó hiểu, nhưng theo tôi nó ám chỉ, xu hướng luôn có quán tính, thị trường không bao giờ sập ngay hoặc đảo chiều tăng ngay trong 1 ngày, nó cần thời gian để tích lũy sự đảo chiều xu hướng. Nếu có thời gian theo dõi kỹ, bạn có thể nhận ra quá trình đảo chiều này.
//Không bao giờ có chuyện chậm 1 giây, 1 ngày mà không kịp tháo chạy hoặc mua vào nếu đã xác định nương theo xu hướng dài hạn//
6. Chứng khoán là những chỉ báo cho nền kinh tế
Thị trường chứng khoán luôn biến động trước sự biến động của nền kinh tế 1 khoảng thời gian nhất định.