Bài viết dưới đây được trích từ cuốn sách “Báo cáo tài chính dưới góc nhìn của Warren Buffett” – Tác giả Mary Buffett & David Clark – Phát hành bởi tủ sách Doanh Trí do Pace tuyển chọn và giới thiệu.
Bạn đọc lưu ý là tác giả của sách này Mary Buffett là cựu con dâu của Warren Buffett, thời điểm bà viết cuốn sách thì bà không còn là con dâu của Warren Buffett nữa, trong cuốn sách cũng không có nội dung nào khẳng định Warren Buffett phê duyệt hay cung cấp thông tin cho cuốn sách; do vậy bạn có thể hiểu cuốn sách chỉ mượn tên của Warren Buffett để xuất bản mà thôi. Tuy nhiên “người có trí tuệ sẽ tự biết phân biệt đúng sai”. Đoạn trích dưới đây trong sách được trình bày mạch lạc, dễ hiểu và bản thân tôi cũng đồng ý với quan điểm của bài viết. Do vậy, tôi xin trích lại nguyên văn để bạn đọc tham khảo. Tôi tin rằng bài viết sẽ hữu ích với bạn.
“Theo quan điểm của Warren Buffett, bạn sẽ không bao giờ bán đi một doanh nghiệp tuyệt vời miễn là nó duy trì được lợi thế cạnh tranh bền vững. Lý do thật đơn giản là bạn giữ nó càng lâu thì càng tốt. Ngoài ra, bất cứ lúc nào bạn bán đi các khoản đầu tư lớn này cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ mời các nhà thu thuế vào bàn tiệc. Mời các nhà thu thuế vào bạn tiệc quá nhiều lần sẽ làm bạn rất khó trở thành tỷ phú. Bạn hãy suy nghĩ kỹ: Công ty của Warren Buffett có khoảng 36 tỷ lợi nhuận từ việc đầu tư vào các công ty có lợi thế cạnh trạnh bền vững. Đây là sự giàu có mà ông chưa trả một đồng thuế nào, và nếu ông vẫn tiếp tục giữ nó thì ông sẽ không bao giờ phải nộp thuế.
Tuy nhiên. Đôi khi bán đi một trong các doanh nghiệp tuyệt vời này lại là điều thuận lợi. Trường hợp đầu tiên là khi bạn cần tiền để đầu tư vào một công ty tốt hơn ở một mức giá tốt hơn, đôi khi điều này cũng xảy ra.
Trường hợp thứ hai là khi công ty có vẻ đang đánh mất lợi thế cạnh tranh bền vững. Điều này xảy ra tùy thời điểm, như với các tòa soạn báo hoặc đài truyền hình. Cả hai đều đã từng là các doanh nghiệp tuyệt vời. Nhưng Internet đã xuất hiện và bỗng nhiên tính bền vững trong lợi thế cạnh tranh của họ trở nên đáng nghi vấn. Một lợi thế cạnh tranh đáng nghi vấn không phải là nơi bạn muốn để tiền trong dài hạn.
Trường hợp thứ ba là trong các thị trường đầu cơ giá lên, khi thị trường chứng khoán, trong một cơn sốt mua vào điên cuồng, đã đẩy giá của các doanh nghiệp tuyệt vời này tăng kịch trần. Trong những trường hợp này, giá bán hiện tại của cổ phiếu công ty đã vượt quá xa thực tiễn kinh tế dài hạn của doanh nghiệp. Và thực tế kinh tế sẽ giống như trọng lực, chúng sẽ kéo giá cổ phiếu xuống đất trở lại. Nếu giá lên quá cao, lợi ích kinh tế của việc bán ra và đầu tư vào các khoản khác có thể có tác dụng tốt hơn là cứ tiếp tục sở hữu doanh nghiệp đó.
Một nguyên tắc đơn giản là chúng ta thấy các hệ số P/E của các công ty siêu sao là 40 hoặc cao hơn và điều đó chỉ thỉnh thoảng xảy ra, thì đó có thể là thời điểm bán ra. Nhưng nếu chúng ta bán ra ở một thị trường đầu cơ giá lên mãnh liệt thì sau đó không nên tham gia thị trường trở lại và tiếp tục mua vào cổ phiếu khác đang được giao dịch với giá gấp 40 lần lợi nhuận. Thay vào đó, chúng ta nên tạm dừng, gửi tiền vào kho bạc và chờ đợi thị trường đầu cơ giá xuống tiếp theo. Vì luôn có sẵn 1 thị trường đầu cơ giá xuống ở đâu đó, chờ đợi để mang đến cho chúng ta cơ hội bằng vàng để mua vào một hoặc nhiều doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững tuyệt vời, hành động đó sẽ giúp chúng ta thật giàu có trong dài hạn.”