Tại sao chúng ta lại thường hy vọng khi nên lo ngại và ngược lại?
Khi cổ phiếu đã rớt giá dưới 8% dưới giá mua ban đầu và bị thua lỗ, người ta thường hay hy vọng chúng tăng giá trở lại trong khi thực sự họ nên lo ngại rằng có thể sẽ mất thêm một số tiền nữa, và nên phản ứng bằng cách bán cổ phiếu đi và chấp nhận thua lỗ thay vì cứ để mọi thứ y nguyên.
Khi cổ phiếu tăng giá và tìm được lợi nhuận, họ lại sợ rằng có thể đánh mất lợi nhuận ấy và bán chúng quá sớm. Nhưng sự thật cổ phiếu đang tăng giá là một dấu hiệu cho thấy chúng thật sự mạnh và có lẽ quyết định mua ban đầu của họ là hoàn toàn chính xác.
Mỗi quyết định mua hay bán chứng khoán đều là một trận chiến thực sự, sẽ có thành công hoặc thất bại do đó chắc chắn chúng ta sẽ bị cảm xúc chi phối. Nhưng thị trường diễn tiến độc lập với những cảm xúc ấy, và một cách thẳng thắn nó không hề quan tâm bạn đang nghĩ gì, đang chờ đợi, hy vọng điều gì sẽ xảy ra.
Bản chất con người gắn vào và ảnh hưởng tới thị trường một cách sâu sắc. Những cảm xúc tương tự như sự kiêu ngạo, sự cả tin, nỗi sợ hãi, lòng tham lam đã tồn tại ở thị trường hôm qua, hôm nay và chắc chắn là cả ngày mai nữa.
Làm cách nào để chiến thắng những cảm xúc cá nhân?
Thực sự đây là một câu hỏi khó, chúng ta thường rất khó khăn để kìm hãm nỗi sợ hãi, lòng tham lam, tính kiêu hãnh để đưa ra những quyết định chính xác. Trong trường hợp thị trường đi lên thì mọi quyết định đều có vẻ hợp lý, nhưng trong một đợt điều chỉnh của thị trường thì mọi thứ sẽ rối tung cả lên, bạn như một con người đi lạc giữa biển khơi mất phương hướng không biết hành xử như thế nào. Hãy lắng nghe Willam J.O’Neil chia sẻ những quan điểm của ông “Theo kinh nghiệm của tôi, cách tốt nhất là thành lập những quy luật mua và bán từ những nghiên cứu về lịch sử thị trường – những quy luật dựa trên nền tảng câu hỏi thực sự thị trường đang hoạt động như thế nào, và trong quá khứ mỗi khi thị trường gặp hoàn cảnh ấy thì diễn biến như thế nào, những quy luật dựa trên sự thống kê khoa học chứ không phải dựa trên những ý kiến hay thành kiến cá nhân”.
Một luật sư phải từ bỏ tất cả các cảm xúc để phân tích thực tế và dựa vào những tiền lệ để xem xét một sự kiện. Tại sao bạn không làm như thế? Bạn càng hiểu về quá khứ của một loại cổ phiếu bao nhiêu, bạn càng có thể nhìn nhận những cơ hội trong tương lai một cách chính xác bấy nhiêu.Việc giá cả dao động hàng ngày có thể dọa dẫm cả những nhà đầu tư có kinh nghiệm nhất nhưng một cái nhìn về quá khứ sẽ giúp chúng ta hiểu ra có một xu hướng đi lên trong toàn bộ thị trường. Chu kỳ nối tiếp chu kỳ, chúng sẽ tạo ra những cơ hội thực sự lớn cho các nhà đầu tư.
Hãy học cách thừa nhận những sai lầm của bản thân.
Không ai muốn thừa nhận mình sai lầm cả, ai cũng luôn cho rằng mình đúng. Những thất bại của chúng ta chỉ do thiếu may mắn, do thị trường sai lầm, và sẽ có ngày thị trường nhận ra sai lầm ấy. Do đó ta dễ dàng để cái tôi lấn áp trong việc thi hành các phi vụ giao dịch. Hoặc chúng ta quá mê muội, kỳ vọng vào các loại cổ phiếu mà không có một cái nhìn khách quan vào thị trường. Điều này sẽ dễ dàng dẫn tới các quyết định sai lầm.
Một công cụ quý báu để chống lại các cảm xúc trên là tiến hành các bản phân tích lại tất cả những cuộc mua bán của bạn, hãy đánh dấu trên đồ thị những thời điểm mua và bán cũng như lý do tại sao bạn mua hoặc bán các loại cổ phiếu ấy.
Sau đó hãy chia ra những vụ bạn mua bán có lời và những vụ thua lỗ. Bạn đã nhận xét chính xác như thế nào với các loại cổ phiếu lên giá và đã phạm sai lầm thế nào với những loại còn lại.
Tiếp theo đó hãy xây dựng những nguyên tắc mới, những nguyên tắc sẽ giúp bạn tìm kiếm lợi nhuận và ngăn ngừa những lỗi lầm tương tự trong tương lai. Nếu bạn không nhìn lại những gì mình đã làm sai bạn sẽ không bao giờ trở thành một nhà đầu tư giỏi.
Rất nhiều người đã nghĩ rằng chứng khoán có thể giúp chúng ta làm giàu chỉ trong một vài năm, điều này rất khó xảy ra. Sự thành công đòi hỏi thời gian, sự kiên trì và sự nhìn nhận khách quan, trung thực về những sai lầm của chính mình. Đó cũng là chìa khóa để đi tới thành công ở tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống.