Bài viết thuộc loạt bài viết “Hướng dẫn đầu tư chứng khoán cho nhà đầu tư từ cơ bản đến nâng cao”. Loạt bài viết được sắp xếp theo trình tự từ cơ bản đến nâng cao, bạn hãy Click vào đây để theo dõi tổng hợp các bài viết.
Ngoài ra, nếu bạn là khách hàng Mở tài khoản tại công ty chứng khoán Yuanta (Chi tiết Click tại đây), tôi sẽ có thể hướng dẫn bạn trực tiếp xây dựng chiến lược đầu tư chứng khoán phù hợp nhất với bạn và cùng bạn lựa chọn danh mục đầu tư ban đầu theo chiến lược đã đề ra (chi tiết đến từng click chuột, cầm tay chỉ việc).
Liên hệ: Mr.Trung 0984048218 (SMS/Zalo).
Một trong những việc bắt buộc phải làm của nhà đầu tư khi giao dịch tại thị trường chứng khoán Việt Nam là nắm vững các quy định của thị trường. Bài viết đã tổng hợp tương đối đầy đủ các quy định trong giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Tuy hơi dài và có một số thuật ngữ là với nhà đầu tư mới như ATC, ATO, Phái Sinh; nhưng nhà đầu tư yên tâm sẽ quen thuộc với các quy định này trong thời gian ngắn.
1. Quy định thời gian giao dịch chứng khoán
Ba sàn HoSE, HNX và UPCoM đều giao dịch từ thứ Hai đến thứ Sáu, trừ dịp lễ Tết theo quy định.
Các sàn bắt đầu giao dịch từ 9h (trừ sản phẩm hợp đồng tương lai giao dịch từ 8h45), nghỉ trưa từ 11h30 đến 13h và đóng cửa lúc 15h.
Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể đặt lệnh khi sàn chưa mở cửa. Trong trường hợp này lệnh sẽ ở trạng thái “chờ gửi”, sau đó có giá trị suốt thời gian giao dịch. Các lệnh đặt trong buổi sáng chưa khớp, khớp một phần và chưa huỷ thì sẽ tiếp tục có hiệu lực trong các đợt khớp lệnh buổi chiều.
Thời gian giao dịch cụ thể như sau:
Tại HoSE, 15 phút đầu tiên là phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa (ATO), được thực hiện trên cơ sở so khớp các lệnh mua và bán tại một thời điểm nhất định. Giá thực hiện là giá có khối lượng giao dịch lớn nhất. Nhà đầu tư không được huỷ hay sửa lệnh trong khung giờ này.
Sau đó đến 14h30 là thời gian khớp lệnh liên tục, thực hiện theo nguyên tắc so khớp lệnh mua và bán ngay khi đưa vào hệ thống giao dịch thay vì cộng dồn và chờ đến một thời điểm nhất định. Các lệnh có mức giá tốt nhất (mua cao, bán thấp) được ưu tiên thực hiện trước.
14h30 đến 14h45 là phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa (ATC) với nguyên tắc tương tự ATO. 15 phút cuối phiên là thời gian dành riêng cho các giao dịch thoả thuận dù trước đó nhà đầu tư vẫn được mua bán thoả thuận.
HNX không có phiên ATO nên ngay khi mở cửa giá sẽ được khớp liên tục. Từ 14h30 đến 14h45 là phiên ATC. 15 phút còn lại là phiên khớp lệnh sau giờ theo nguyên tắc mua hoặc bán chứng khoán tại giá đóng cửa.
UPCoM chỉ có phương thức khớp lệnh định kỳ suốt phiên từ 9h đến 15h, trừ giờ nghỉ trưa.
2. Biên độ giao dịch cổ phiếu trên các sàn chứng khoán
Biên độ giao dịch giá của cổ phiếu yết trên sàn HoSE là 7%, thấp nhất so với hai sàn còn lại. Khi giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư sẽ đọc thấy các khái niệm giá tham chiếu, giá trần, giá sàn. Ở đây, giá tham chiếu của cổ phiếu được xác định là giá đóng cửa của ngày giao dịch gần nhất trước đó.
Giá tham chiếu của cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM là trung bình cộng của các mức giá giao dịch lô chẵn theo phương thức khớp lệnh trong ngày gần nhất trước đó.
Khi cổ phiếu giao dịch trong phiên, giá trần là giá cao nhất được phép giao dịch, bằng Giá tham thiếu x (100% + Biên độ dao động). Giá sàn (giá thấp nhất) được xác định bằng Giá tham chiếu x (100% – Biên độ dao động).
Dưới đây là quy định về biên độ giá cổ phiếu giao dịch tại ba sàn (so với giá tham chiếu).
Biên độ giá | HoSE | HNX | UpCOM |
Cổ phiếu trong ngày | 7% | 10% | 15% |
Cổ phiếu mới niêm yết trong ngày đầu tiên hoặc được giao dịch trở lại sau khi bị tạm ngừng giao dịch trên 25 ngày | 20% | 30% | 40% |
Cổ phiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền để trả cổ tức hoặc thưởng bằng cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu | 20% | 30% | 40% |
Một số trường hợp khác là cổ phiếu chuyển giao dịch từ sàn này sang sàn khác. Lấy ví dụ, khi chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HoSE sang HNX, giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên tại HNX là mức giá đóng cửa tại HoSE trong ngày giao dịch cuối cùng và bước giá sẽ được làm tròn lên 100 đồng gần nhất.
Biên độ dao động giá cho ngày giao dịch đầu tiên đối với cổ phiếu chuyển sàn sang HNX cũng được áp dụng như đối với các cổ phiếu đang niêm yết tại HNX là 10%.
3. Giá tham chiếu
Giá tham chiếu là giá đóng cửa của ngày giao dịch gần nhất trước đó.
Ví dụ, cổ phiếu HPG đóng cửa ngày thứ Năm (17/6/2021) tại 51.400 đồng thì đây là giá tham chiếu ngày tiếp theo – thứ Sáu (18/6/2021).
Mức giá này còn là cơ sở tính giá cao nhất (giá trần) và giá thấp nhất (giá sàn) trong ngày giao dịch đó. Vì HPG đang niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM nên biên độ dao động giá tối đa là 7% mỗi phiên, từ đó suy ra giá trần ngày 18/6 là 54.900 đồng và giá sàn là 47.850 đồng.
Giá tham chiếu tại ngày giao dịch không hưởng quyền (tức ngày giao dịch mà cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng và chứng chỉ quỹ ETF không được hưởng cổ tức hoặc các quyền kèm theo) được xác định theo nguyên tắc lấy giá đóng cửa ngày gần nhất để điều chỉnh theo giá trị cổ tức hoặc giá trị các quyền.
Trong một số phiên gặp sự cố không xác định được giá đóng cửa, tổ chức vận hành thị trường (Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM và Hà Nội) có thể áp dụng phương thức xác định giá tham chiếu khác khi có sự chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Điển hình như phiên 1/6/2021, khi Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM tạm ngừng giao dịch buổi chiều để tránh sự cố thì giá khớp lệnh cuối cùng trong buổi sáng là giá đóng cửa ngày hôm đó. Vì vậy, giá tham chiếu ngày hôm sau được tính theo mức này.
Khác với HoSE và HNX, giá tham chiếu của cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM là trung bình cộng của các mức giá giao dịch lô chẵn theo phương thức khớp lệnh trong ngày gần nhất trước đó.
4. Giao dịch thoả thuận và khớp lệnh chứng khoán
Ba sàn chứng khoán ở Việt Nam (HoSE, HNX và UPCoM) đều có hai phương thức giao dịch là thoả thuận và khớp lệnh. Trong đó, khớp lệnh được chia thành khớp lệnh định kỳ và khớp lệnh liên tục.
4.1. Giao dịch thoả thuận
Giao dịch thoả thuận là phương thức bên mua và bán tự thoả thuận các điều kiện giao dịch như giá, khối lượng, hình thức thanh toán rồi thông báo cho công ty chứng khoán của hai bên. Trong trường hợp nhà đầu tư muốn giao dịch thoả thuận nhưng chưa xác định đối tác thì có thể liên hệ với công ty chứng khoán để được nhập lệnh chào mua hoặc chào bán. Khi tìm được đối tác và đạt thoả thuận, công ty chứng khoán sẽ đại diện nhà đầu tư giao dịch.
Giao dịch thoả thuận được thực hiện suốt phiên, trừ giờ nghỉ trưa. Lệnh thoả thuận chỉ có hiệu lực trong ngày và giá phải nằm trong biên độ dao động của hôm đó. Nhà đầu tư không được giao dịch thoả thuận trong ngày đầu tiên cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán.
Lệnh giao dịch thoả thuận không được phép huỷ. Trong thời gian giao dịch, nếu công ty chứng khoán nhập sai lệnh thoả thuận của nhà đầu tư thì được sửa nhưng phải xuất trình lệnh gốc và được đối tác, Sở Giao dịch chứng khoán chấp thuận.
Giá trị giao dịch thoả thuận không được sừ dụng để tính toán các chỉ số như VN-Index, HNX-Index, UPCoM-Index…
4.2. Khớp lệnh định kỳ
Khớp lệnh định kỳ chỉ áp dụng tại HoSE vào hai khung giờ: 9h-9h15 là phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa (ATO) và 14h30-14h45 là phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa. Nhà đầu tư không thể huỷ hay sửa lệnh trong hai khung giờ này.
Phương thức khớp lệnh định kỳ được thực hiện trên cơ sở so khớp các lệnh mua và bán tại một thời điểm xác định. Giá thực hiện là giá có khối lượng giao dịch lớn nhất. Nếu có nhiều mức giá thoả mãn tiêu chí này thì giá trùng hoặc gần với giá lần khớp lệnh gần nhất sẽ được chọn.
Phương thức này sẽ ưu tiên nhà đầu tư đặt lệnh mua giá cao hơn và lệnh bán giá thấp hơn được thực hiện trước. Trong trường hợp lệnh mua hoặc lệnh bán có cùng giá thì lệnh nào nhập vào hệ thống giao dịch trước sẽ được ưu tiên thực hiện.
4.3. Khớp lệnh liên tục
Khới lệnh liên tục được áp dụng tại HoSE từ 9h15-11h30 và 13h-14h30, tại HNX là 9h-11h30 và 13h-14h30 còn tại UPCoM là suốt phiên trừ giờ nghỉ trưa. Nhà đầu tư được huỷ, sửa lệnh trong thời gian khớp lệnh liên tục.
Khác biệt lớn nhất của phương thức này so với khớp lệnh định kỳ là sự tức thì, bởi nguyên tắc khớp lệnh liên tục là so khớp lệnh mua và bán ngay khi đưa vào hệ thống giao dịch thay vì cộng dồn và chờ đến một thời điểm nhất định. Các lệnh có mức giá tốt nhất (mua cao, bán thấp) được ưu tiên thực hiện trước. Nếu nhiều lệnh có cùng mức giá như nhau thì lệnh nào vào hệ thống trước sẽ được ưu tiên.
5. Các loại lệnh chứng khoán: ATO, ATC, LO, MP…
Nhà đầu tư phải chọn một trong các loại lệnh như LO, MP, ATO, ATC, PLO để đặt mua hoặc bán chứng khoán, tuỳ vào nhu cầu và thời gian giao dịch.
5.1. Lệnh giới hạn (LO)
Lệnh LO là lệnh mua hoặc bán chứng khoán tại một mức giá xác định hoặc tốt hơn. Đây là loại lệnh phổ biến, được nhà đầu tư sử dụng nhiều nhất. Lệnh được thực hiện suốt phiên, trừ giao dịch thoả thuận sau 14h45. Riêng sàn UPCoM thì lệnh này được thực hiện đến 15h.
Lệnh LO có hiệu lực từ khi được nhập vào hệ thống giao dịch cho đến khi kết thúc ngày giao dịch hoặc đến khi bị huỷ bỏ. Trong trường hợp nhà đầu tư đặt lệnh này trước phiên giao dịch hoặc trong giờ nghỉ trưa, hệ thống sẽ thông báo lệnh ở trạng thái “chờ gửi” và chỉ hiệu lực khi phiên giao dịch bắt đầu.
5.2. Lệnh thị trường (MP)
Lệnh thị trường trên sàn TP HCM là lệnh mua chứng khoán tại mức giá bán thấp nhất hoặc bán chứng khoán tại mức giá cao nhất đang có trên thị trường. Nói cách khác, đây là lệnh mà bên mua hoặc bán chậm nhất giao dịch với bất cứ giá nào.
Nếu chưa khớp hết khối lượng, lệnh MP được xem lệnh mua tại giá bán cao hơn hoặc bán tại giá mua thấp hơn tiếp theo đang có trên thị trường. Sau khi giao dịch theo nguyên tắc này mà vẫn chưa khớp toàn bộ khối lượng đặt lệnh thì lệnh MP được chuyển thành lệnh giới hạn. Trường hợp giá thực hiện cuối cùng là giá trần (đối với lệnh mua) hoặc giá sàn (đối với lệnh bán) thì lệnh MP trở thành lệnh LO mua tại giá trần hoặc lệnh LO bán tại giá sàn.
Lệnh MP chỉ được nhập vào hệ thống trong các phiên khớp lệnh liên tục. Trường hợp không có lệnh LO đối ứng tại thời điểm nhập lệnh thì lệnh MP bị huỷ bỏ.
Sàn chứng khoán Hà Nội diễn giải khái niệm lệnh thị trường tương tự sàn TP HCM, nhưng phân chia các loại lệnh có sự khác biệt. Theo đó, lệnh thị trường trên sàn này được chia thành 3 loại:
– Lệnh thị trường giới hạn (MTL): nếu không thực hiện được toàn bộ thì phần còn lại chuyển thành lệnh LO và áp dụng các quy định về sửa, huỷ đối với lệnh LO.
– Lệnh thị trường khớp toàn bộ hoặc huỷ (MOK), nếu không thực hiện được toàn bộ thì bị huỷ ngay sau khi nhập.
– Lệnh thị trường khớp và huỷ (MAK), tức có thể thực hiện toàn bộ hoặc một phần, phần còn lại sẽ bị huỷ ngay sau khi khớp lệnh.
5.3. Lệnh ATO
Lệnh ATO là lệnh giao dịch tại giá khớp lệnh xác định giá mở cửa, chỉ áp dụng cho sàn chứng khoán TP HCM. Lệnh có thể được nhập vào hệ thống trước hoặc trong phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa. Sau 9h15, lệnh không được thực hiện hoặc phần còn lại của lệnh không khớp hết tự động bị huỷ.
Lệnh ATO được ưu tiên trước lệnh giới hạn khi so khớp lệnh. Tuy nhiên, phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa sẽ không xác định được giá khớp lệnh nếu chỉ có lệnh ATO.
5.4. Lệnh ATC
Lệnh ATC có đặc tính tương tự lệnh ATO, nhưng để xác định giá đóng cửa vào 14h45. Lệnh ATC được sử dụng trên sàn TP HCM lẫn Hà Nội.
5.5. Lệnh khớp lệnh sau giờ (PLO)
Lệnh PLO chỉ áp dụng cho sàn chứng khoán Hà Nội. Đây là lệnh mua hoặc bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa sau khi kết thúc phiên ATC. Nhà đầu tư chỉ được nhập lệnh này vào hệ thốgn trong khoảng 14h45-15h, nếu có lệnh đối ứng chờ sẵn thì được khớp ngay. Các lệnh PLO không được thực hiện hoặc phần còn lại của lệnh không thực hiện hết tự động bị huỷ.
Trong trường hợp phiên khớp lệnh định kỳ không xác định được giá đóng cửa thì lệnh PLO cũng không được nhập vào hệ thống.
5.6. Lệnh điều kiện
Lệnh điều kiện thực chất là một tính năng để nhà đầu tư mua bán linh hoạt, nhất là những nhà đầu tư không có nhiều thời gian theo dõi bảng điện tử. Lệnh điều kiện chi thành nhiều loại, cụ thể:
– Lệnh điều kiện với thời gian (TCO): nhà đầu tư có thể đặt lệnh trước phiên giao dịch từ một đến nhiều ngày với số lượng và mức giá xác định. Lệnh này có hiệu lực tối đa trong 30 ngày.
Việc đặt lệnh được thực hiện bất cứ lúc nào, sau đó lệnh nằm chờ trong hệ thống của công ty chứng khoán và chỉ được kích hoạt khi thoả mãn điều kiện chọn trước. Nhà đầu tư có thể chọn hình thức khớp lệnh là phát sinh một lần (đồng nghĩa sau khi được kích hoạt thì dù khớp hết, khớp một phần hay không khớp thì cũng bị huỷ bỏ) hoặc phát sinh cho tới khi khớp hết khối lượng.
– Lệnh tranh mua hoặc tranh bán (PRO): là lệnh nhà đầu tư sẵn sàng mua ở các giá ATO/trần/ATC và sẵn sàng bán ở các giá ATO/sàn/ATC. Lệnh có hiệu lực cho phiên giao dịch kế tiếp sau khi nhà đầu tư đặt và có thể đặt trước cho tối đa 30 ngày giao dịch kế tiếp.
– Lệnh dừng (ST): là lệnh để nhà đầu tư xác định trước giá cắt lỗ hoặc chốt lãi trong tương lai. Lệnh này có hiệu lực ngay khi nhà đầu tư đặt và kéo dài trong 30 ngày.
– Lệnh xu hướng (TS): nhà đầu tư sẽ chọn mã chứng khoán và khối lượng muốn giao dịch, cộng thêm khoảng dừng theo giá trị tuyệt đối (nghìn đồng) hoặc giá trị tuơng đối (%). Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể thiết lập thêm giá mua thấp nhất hoặc bán cao nhất. Khi giá chứng khoán chạm đến khoảng dừng hoặc giá thì lệnh sẽ được kích hoạt. Tương tự các lệnh điều kiện khác, lệnh xu hướng có hiệu lực tối đa 30 ngày.
6. Lô giao dịch chứng khoán và hướng xử lý lô lẻ
Lô giao dịch đối với giao dịch khớp lệnh là số lượng cổ phiếu tối thiểu cho mỗi lệnh đưa vào thị trường.
Từ đầu năm 2021, lô giao dịch trên cả ba sàn HoSE, HNX và UPCoM được đồng bộ là 100 đơn vị, nghĩa là nhà đầu tư giao dịch khớp lệnh với số lượng ít nhất 100 cổ phiếu và phải là bội số của 100.
Giao dịch số cổ phiếu từ 1 đến 99 cổ phiếu được xếp vào diện giao dịch lô lẻ. Lô lẻ thường phát sinh do việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng, tách cổ phiếu hoặc thực hiện quyền mua cổ phiếu.
Với giao dịch cổ phiếu lô lẻ trên sàn HoSE, nhà đầu tư có thể đặt bán trực tiếp trên bảng giá công ty chứng khoán (chọn phần giao dịch lô lẻ) nếu công ty chứng khoán cung cấp tính năng này.
Hoặc, khách hàng có thể bán lại cho công ty chứng khoán bằng cách ký vào hợp đồng mua bán chứng khoán lô lẻ và gửi cho họ. Sau khi có chứng từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), công ty chứng khoán sẽ hạch toán rút cổ phiếu lô lẻ khách hàng đã bán và ghi có số tiền tương ứng vào tài khoản giao dịch của nhà đầu tư.
Giá bán cổ phiếu lô lẻ bằng 90% giá tham chiếu tại ngày ký hợp đồng hoặc là giá sàn ngày giao dịch, tuỳ thuộc quy định của từng công ty chứng khoán).
Với giao dịch cổ phiếu lô lẻ trên sàn HNX và UpCoM, nhà đầu tư có thể đặt lệnh bán bằng một trong các cách, bán lô lẻ online trên ứng dụng của công ty chứng khoán, đặt lệnh qua nhân viên quản lý tài khoản hoặc đặt lệnh qua tổng đài, hoặc tới trực tiếp công ty chứng khoán.
Lệnh giao dịch lô lẻ sau khi khớp cũng được thanh toán bù trừ như lệnh giao dịch bình thường. Giá bán phù thuộc và giá chờ mua đối ứng trên HNX hoặc UpCoM
7. Đơn vị yết giá chứng khoán
7.1. Khái niệm về đơn vị yết giá chứng khoán
Đơn vị yết giá chứng khoán là mức giá tối thiểu theo quy định trong đặt giá chứng khoán, có thể tác động đến tính thanh khoản thị trường.
Đơn vị yết giá được áp dụng trong việc định giá một cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ. Ví dụ, đơn vị yết giá nhỏ nhất tại Thái Lan, Đài Loan khoảng 7 đồng, Singapore 16 đồng, Hàn Quốc 19 đồng.
Thông thường, đơn vị yết giá chỉ áp dụng đối với các giao dịch khớp lệnh, giao dịch thỏa thuận thường không quy định đơn vị yết giá.
7.2. Quy định về đơn vị yết giá chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE)
- Đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng:
Mức giá | Đơn vị yết giá |
Dưới 10.000 đồng | 10 đồng |
Từ 10.000 đồng đến 49.950 đồng | 50 đồng |
Cao hơn hoặc bằng 50.000 đồng | 100 đồng |
- Đối với chứng chỉ quỹ ETF: Áp dụng đơn vị yết giá 10 đồng cho tất cả các mức giá.
Ví dụ:
– Cổ phiếu BID niêm yết trên sàn HOSE có mức giá cuối là 44.25 (một cổ phiếu BID có giá 44.250 đồng). Theo quy định của HOSE, đơn vị yết giá của cổ phiếu này là 50 đồng. Nhà đầu tư có thể đặt lệnh mua hoặc bán với giá tăng (hoặc giảm) 50 đồng, như các mức giá: 44.20, 44.15 hoặc 44.30, 44.35, 44.40…
Theo quy định của HOSE, đơn vị yết giá của cổ phiếu có giá dưới 50.000 đồng là 50 đồng.
– Với cổ phiếu mức giá dưới 10.000 đồng, ví dụ PTL có giá 4.03 (một cổ phiếu PTL có giá 4.030 đồng), đơn vị yết giá là 10 đồng. Nhà đầu tư có thể đặt lệnh bán với mức giá tăng (giảm 10 đồng) mỗi cổ phiếu, như 4.04 hoặc 4.02;…
Đơn vị yết giá của cổ phiếu có mức giá dưới 10.000 đồng niêm yết tại HOSE là 10 đồng.
7.3. Quy định về đơn vị yết giá chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX)
- Đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng:
Mức giá | Đơn vị yết giá |
Tất cả | 100 đồng |
- Đối với chứng chỉ quỹ ETF: Áp dụng đơn vị yết giá một đồng cho tất cả các mức giá.
Ví dụ: Cổ phiếu BKC có giá 9.70 (một cổ phiếu BKC có giá 9.700 đồng). Nhà đầu tư có thể đặt lệnh bán ở mức giá tăng (giảm) 100 đồng: 9.80 hoặc 9.90; 10.00…
HNX quy định đơn vị yết giá đối tất cả cổ phiếu là 100 đồng.
Với đơn vị yết giá hẹp, nhà đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn đặt lệnh, giúp thị trường tăng thanh khoản vì bước giá càng nhỏ, nhà đầu tư càng dễ mua bán, nhất là đối với các mã có thị giá thấp. Tuy nhiên, lệnh giao dịch có thể bị dàn trải.
Ngược lại, quy định đơn vị yết giá rộng mang lại sự tập trung về mức giá, nhưng lại hạn chế sự lựa chọn mức giá của nhà đầu tư.
8. Cách sửa, hủy lệnh giao dịch chứng khoán
Sửa, hủy lệnh giao dịch chứng khoán cho phép nhà đầu tư có thể điều chỉnh hoặc rút lại các lệnh mua/bán đã đặt trước khi lệnh được khớp.
Nhà đầu tư đã đặt một hoặc nhiều lệnh mua hoặc bán nhưng ngay sau đó muốn thay đổi giá hoặc số lượng cổ phiếu được mua (bán), hay hủy lệnh giao dịch có thể sửa (hoặc) lệnh của mình trong thời gian quy dịnh trước khi lệnh được khớp.
Nếu lệnh đã được khớp, việc sửa, hủy lệnh sẽ không được chấp nhận để đảm bảo tính công bằng cho tất cả các nhà đầu tư khác.
Theo quy định từng sở giao dịch, sửa, hủy giao dịch chứng khoán có thể được thực hiện trong một số trường hợp nhất định.
Sàn chứng khoán | Quy định |
HSX | – Trong phiên khớp lệnh định kỳ ATO (9h00-9h15) và ATC (14h30-14h45): Nhà đầu tư không được phép hủy lệnh (gồm các lệnh được chuyển từ phiên khớp lệnh liên tục trước đó) – Trong thời gian khớp lệnh liên tục (9h15-11h30 và 13h-14h30): Nhà đầu tư có thể hủy lệnh nếu lệnh hoặc phần còn lại của lệnh chưa được thực hiện, kể cả các lệnh hoặc phần còn lại của lệnh chưa được thực hiện ở lần khớp lệnh định kỳ hoặc liên tục trước đó. – Chỉ được hủy/sửa lệnh nếu chưa được xác nhận. – Trong thời gian giao dịch, trường hợp công ty nhập sai lệnh giao dịch thỏa thuận của nhà đầu tư, công ty được phép sửa lệnh giao dịch thỏa thuận nhưng cần xuất trình lệnh gốc của nhà đầu tư, đồng thời phải được bên đối tác đồng ý sửa lệnh đó và được SGDCK chấp thuận. |
HNX | – Việc sửa giá/khối lượng, hủy lệnh giao dịch chỉ có hiệu lực đối với lệnh gốc chưa được thực hiện hoặc phần còn lại của lệnh chưa được thực hiện. – Trong phiên khớp lệnh liên tục: lệnh giới hạn (LO) được phép sửa giá, khối lượng và hủy lệnh trong thời gian giao dịch. Thứ tự ưu tiên của lệnh sau khi sửa được xác định như sau: + Thứ tự ưu tiên của lệnh không đổi nếu chỉ sửa giảm khối lượng. + Thứ tự ưu tiên của lệnh được tính kể từ khi lệnh sửa được nhập vào hệ thống giao dịch đối với các trường hợp sửa tăng khối lượng và/ hoặc sửa giá. – Trong phiên ATC: không được phép sửa, hủy các lệnh LO, ATC (bao gồm cả các lệnh LO được chuyển từ phiên khớp lệnh liên tục sang). – Trong phiên giao dịch sau giờ (14h45-15h): Lệnh PLO không được phép sửa, hủy lệnh. – Hủy, sửa lệnh giao dịch thỏa thuận: + Chỉ được hủy/sửa lệnh nếu chưa được xác nhận. + Trường hợp đại diện Công ty chứng khoán nhập lệnh sai, lệnh chỉ được sửa nếu được sự chấp thuận của HNX và nhà đầu tư. |
Upcom | – Trong thời gian giao dịch khớp lệnh: Chỉ được sửa lệnh (sửa giá, sửa khối lượng) và hủy lệnh đối với lệnh chưa khớp. Thứ tự ưu tiên của lệnh sau khi sửa được xác định như sau: + Trường hợp sửa khối lượng giảm: Thứ tự ưu tiên của lệnh không thay đổi. + Trường hợp sửa khối lượng tăng hoặc sửa giá: Thứ tự ưu tiên của lệnh được tính kể từ khi lệnh sửa được nhập vào hệ thống giao dịch. – Trong thời gian giao dịch thỏa thuận: Giao dịch thỏa thuận đã thực hiện trên hệ thống giao dịch Upcom không được phép hủy bỏ. |
Để sửa, hủy lệnh giao dịch, nhà đầu tư cần thực hiện các bước sau đây:
– Truy cập vào tài khoản giao dịch trực tuyến của mình
– Tìm kiếm lệnh cần sửa và chọn tính năng sửa lệnh.
– Nhập thông tin mới cho lệnh và xác nhận sửa lệnh.
Quá trình này có thể được thực hiện trên máy tính hoặc điện thoại thông minh.
Quy định sửa, hủy lệnh giao dịch chứng khoán là một phần quan trọng trong hoạt động mua bán chứng khoán trên thị trường chứng khoán nhằm bảo tính minh bạch, công bằng và đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư.
9. Đáo hạn phái sinh
Nhà đầu tư cần nắm rõ ngày đáo hạn phái sinh để kịp thời thực hiện đóng các vị thế, chốt lời/cắt lỗ hiệu quả khi đầu tư phái sinh.
Ngày đáo hạn phái sinh là ngày giao dịch cuối cùng các sản phẩm hợp đồng phái sinh. Vào ngày đáo hạn, hợp đồng của tháng hiện tại được tất toán thành tiền mặt và chuyển sang các tháng tiếp theo để giao dịch.
Tại thị trường Việt Nam, ngày đáo hạn phái sinh định kỳ rơi vào ngày Thứ Năm thứ 3 trong tháng đáo hạn. Nếu ngày đáo hạn rơi vào ngày nghỉ lễ thì ngày giao dịch liền trước đó sẽ được tính là ngày đáo hạn. Thanh toán khi đáo hạn là ngày làm việc liền sau ngày đáo hạn. Số tiền tăng/ giảm được ghi trên trên tài khoản khách hàng tương ứng với giá trị lãi/ lỗ khi thực hiện tất toán hợp đồng. Tháng đáo hạn được hiểu lần lượt là tháng hiện tại, tháng kế tiếp, tháng cuối cùng của hai quý gần nhất.
Ví dụ:
Trong quý II năm 2022, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam sẽ diễn ra 3 phiên giao dịch:
– Mã VN30F2204 (Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tháng 4/2022) có lịch đáo hạn vào tháng 4/2022, ngày giao dịch đầu tiên là 18/2/2022, ngày đáo hạn phái sinh là 21/4/2022, ngày thanh toán cuối cùng là 22/4/2022.
– Mã VN30F2205 có lịch đáo hạn vào thàng 5/2022, ngày giao dịch đầu tiên là 18/3/2022, ngày đáo hạn là 19/5/2022, ngày thanh toán cuối cùng là 20/5/2022.
– Mã VN30F2206 có lịch đáo hạn trong tháng 6/2022, ngày giao dịch đầu tiên là 22/10/2021, ngày đáo hạn là 16/6, ngày thanh toán cuối cùng là 17/6/2022.
Thông thường, trong giai đoạn đầu của hợp đồng, thị trường không có nhiều biến động hay thay đổi giao dịch. Càng gần đến ngày đáo hạn, thị trường càng trở nên nhộn nhịp hơn, đặc biệt trước ngày đáo hạn hai ngày, do hoạt động thực hiện vị thế của nhà đầu tư ồ ạt. Khi tham gia thị trường phái sinh, nhà đầu tư cần phải nắm rõ ngày đáo hạn để kịp thời thực hiện đóng các vị thế để chốt lời/cắt lỗ hiệu quả.
Nếu không đóng vị thế trước khi hợp đồng hết hạn, nhà đầu tư sẽ không được nắm giữ vị thế mua nữa, đồng thời không chủ động được giá chốt lời/ cắt lỗ theo ý muốn.
Ví dụ: nhà đầu tư mở vị thế mua 10 hợp đồng tương lai mã VN30F2206, ngày đáo hạn là 16/6. Để kết thúc hợp đồng và mua một hợp đồng tương lai khác, nhà đầu tư đó phải đóng vị thế trước hoặc trong ngày 16/6 để nhận lãi hoặc lỗ của mình. Nếu không đóng vị thế, nhà đầu tư vẫn giữ hợp đồng nhưng không có quyền mua theo vị thế nữa.
Muốn giữ vị thế mua, người đó phải bán hợp đồng để đóng vị thế, mua một hợp đồng mới vào tháng kế tới (mở vị thế mua mới). Khi đó, giá trị thanh toán của mỗi hợp đồng được gắn với giá đóng cửa (ATC) của cổ phiếu vào ngày cuối cùng.