I. Lời giới thiệu
Cuốn Tâm lý thị trường chứng khoán – Tác giả George Charles Selden (một phóng viên tạp chí Wall Street Journal) được xuất bản năm 1912, đã trải qua hơn 100 năm nhưng đến nay vẫn giữ nguyên giá trị.
Tôi đã đọc đến lần thứ 3 cuốn sách mà vẫn thấy khá ấm ức, không phải vì sách không hay mà là vì nó có quá nhiều ý hay nên thật khó để truyền tải tóm tắt đến bạn đọc review sách.
Do vậy, lời góp ý đầu tiên đến bản là bạn nên đọc phiên bản đầy đủ cuốn sách (bạn có thể tải bản ebook ngay trên web này, hoặc mua tại nhà sách). Đây là cuốn sách mỏng, ít chữ, nhưng nó đã truyền tải được khá chi tiết và rành mạch các trạng thái tâm lý của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán. Nhưng cũng phải nói rằng, câu chữ trong sách khá súc tích, nên sẽ phù hợp hơn với những nhà đầu tư có nhiều năm trên thị trường chứng khoán, còn với những nhà đầu tư mới gia nhập, nội dung sách có thể khá khó hiểu và rời rạc. Bài học trong sách cũng không được tóm tắt hoàn chỉnh, mà cần người đọc thẩm thấu kỹ và gạn lọc. Tôi cũng tin rằng sau khi đọc xong cuốn sách bạn sẽ có được cái nhìn tổng quan về diễn biến tâm lý của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán. Có câu “biết mình, biết người, trăm trận không thua” cuốn sách này chính là cẩm nang thư giúp ta làm được việc “biết mình”.
II. Một số trích đoạn hay của sách
Như đã nói ở trên, sách có rất nhiều ý hay, hơi khó để việc trích nội dung sách vì nếu chỉ trích một ít sẽ khó có thể truyền tải đầy đủ ý của tác giả. Nhưng trên tinh thần giới thiệu sách và tiết kiệm thời gian của bạn đọc, tôi xin trích một vài nội dung tâm đắc như sau:
1. Thông thường, những biến động lớn trên thị trường trong một vài tháng hay thậm chí là một vài năm là kết quả của những thay đổi trong khía cạnh tài chính; những biến động nhỏ và ngắn hạn hơn thường là kết quả của những thay đổi trong suy nghĩ của đám đông các nhà đầu tư và kinh doanh, thứ có thể có hoặc không trùng khớp với những thay đổi trong các yếu tố cơ bản của nền kinh tế.
2. Trong một đợt bùng nổ giá chứng khoán,việc giá cả bị đẩy lên cao tới mức nào sẽ tuỳ thuộc và tình trạng của nền kinh tế. Nếu tín dụng được thả lỏng và các ngành kinh doanh nói chung đang trong giai đoạn phát đạt thì có thể hy vọng vào một đợt tăng điểm kéo dài; còn nếu các ngân hàng siết chặt cho vay trong khi sản xuất kinh doanh chẳng lấy gì làm sôi động thì sức tăng chắc chắn sẽ chỉ ở một mức độ giới hạn nào đó.
3. Trong suốt hành trình đi lên của thị trường, “một con cừu non ngơ ngác” mới chính là kẻ kiếm ra tiền, bởi anh ta biết chấp nhận sự thực như những gì nó vốn có, trong khi đó, một tay kinh doanh chuyên nghiệp lại thường cố tình đi ngược lại xu thế và thua lỗ nặng, bởi chính thói quen suy luận ngược với đầy hoài nghi và theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô-tô” của mình.
4. Hãy nhớ rằng một tin tức chỉ có thể gây ra “một” sự biến động trong giá cả. Nếu sự biến động đã xảy ra trước khi tin tức đó chính thức được công bố, do kết quả của những lời đồn hay kỳ vọng của đám đông, thì sẽ không lặp lại lần nữa sau khi lời công bố chính thức được đưa ra; nhưng nếu trước khi tin tức đó được công bố mà không có sự biến động nào về giá cả thì sau đó nó sẽ tác động tới tình hình hiện tại của thị trường và có thể gây ra sự biến động về giá cả.
5. Những cố gắng nhằm biến toàn bộ các kỹ năng đầu cơ và đầu tư thành những điều rõ ràng đến không tưởng và đơn giản đến lý tưởng là nguyên nhân của nhiều thất bại. Toán học thực chất là một môn khoa học nghèo nàn bởi nó không kích thích tư duy phê phán của con người. Với những định đề cố định và chắc chắn, một nhà toán học sẽ đưa ra một kết luận chính xác; tuy nhiên, trong những vấn đề thực tế, cái khó lại nằm ở việc bạn phải chọn định đề nào.
Thị trường chứng khoán hoàn toàn là một vấn đề của thực tế. Các phương pháp khoa học có thể được áp dụng cho bất cứ ngành kinh doanh nào, từ chứng khoán cho đến chăn nuôi gia cầm, nhưng nó hoàn toàn khác với việc cố gắng đơn giản hoá những biến động trên thị trường thành những định đề chắc chắn đúng của toán học.
6. Thị trường rất nghiệt ngã. Nó sẽ không bao giờ bị sự nguỵ biện của chúng ta làm lung lay. Nó sẽ phản ứng lại chính xác hành động của tất cả các lực lượng và cá nhân đang tham gia trong đó. Chúng ta không thể chỉ hành động vì lợi ích của riêng mình như những ngành kinh doanh khác, điều duy nhất chúng ta có thể làm đó là khiến những lợi ích của chúng ta phù hợp với tình hình kinh doanh mà thôi.
Để có được thành công vĩ đại nhất, một nhà kinh doanh cần phải hoàn toàn quên đi trạng thái của anh ta trên thị trường, quên đi cả lợi nhuận lẫn thua lỗ, sự chênh lệch giữa giá cả hiện tại và mức giá mà anh ta đã mua vào hay bán ra và phải gắn suy nghĩ của anh ta và trạng thái của thị trường. Nếu thị trường đi xuống, anh ta cần bán ra, bất kể đang có lãi hay là thua lỗ, bất kể đã mua vào cả năm hay chỉ vừa mới hai phút trước.
7. Không có ai tin tưởng rằng thị trường sẽ đi xuống mạnh mẽ bằng anh chàng vừa bán hết cổ phiếu của mình và đang muốn mua lại.
8. Xác định thời điểm kết thúc của một đợt bùng nổ trên thị trường thường khó hơn nhiều so với việc xác định khi nào, một cuộc khủng hoảng đã hoàn toàn đi qua. Tuy nhiên, nguyên tắc cho cả hai việc này lại rất đơn giản. Chính sự dư thừa nguồn cung vốn là điều sẽ khiến thị trường bắt đầu đi lên sau khi khủng hoảng kết thúc. Tương tự, cạn kiệt vốn cũng chính là điều khiến xu hướng đi lên của thị trường chấm dứt. Sự cạn kiệt này có thể được nhận thấy nhờ lãi suất vay đầu tư ngắn hạn tăng, số dư tiền gửi so với tổng nợ vay tại các ngân hàng, lãi suất chiết khấu, trái phiếu…
III. Tâm lý cần có của nhà đầu tư cá nhân
Ngoài những trích đoạn hay kể trên, cuốn sách cũng đã đúc rút rất hay về tâm lý cần có một nhà đầu tư cá nhân, sau nhiều năm thực chiến trên thị trường chứng khoán, tôi đánh giá đây là những đúc rút vô cùng quý báu:
1. Bạn nên là một nhà đầu tư đơn thuần, tức là mua vào bằng tiền của mình và nắm giữ cổ phiếu một cách tự phát không cần một giới hạn thời gian hay mục tiêu lợi nhuận nào. Anh ta chỉ cần xem xét những vấn đề này ở mức đủ để không khiến bản thân cảm thấy lúng túng trước những diễn biến thất thường trong tâm lý đám đông hay trước chính những suy luận ngược của mình. Anh ta sẽ có được thành quả tốt đẹp nhất bằng cách dành hết tâm trí vào hai thứ quan trọng nhất: Thực tế thị trường và giá cả. Tỷ lệ lãi suất hiện thời, khả năng kiếm lời của công ty mà anh ta đang nắm cổ phiếu, những diễn biến của tình hình chính trị có tác động tới thị trường vốn và sự thay đổi giá cả trước những thực tế đó – đây chính là những dữ liệu quan trọng nhất cho sự đánh giá của anh ta.
2. Bạn cũng cần là một nhà đầu tư lạc quan một cách có lý lẽ. Bởi số phận dù có nghiệt ngã đến đâu thì có lẽ cũng không tồi tệ bằng sự bi quan của những người chỉ vì không thể nắm bắt được những động lực đằng sau những biến động của giá cả đã đánh mất đi niềm tin vào rất nhiều thứ quý giá khác trong cuộc sống.
Tuy nhiên, do bản chất của ngành kinh doanh đặc biệt này, niềm lạc quan ở đây cần có một chút khác biệt so với niềm lạc quan truyền thống vốn vẫn đem lại thành công cho con người trong những ngành kinh doanh khác. Xét một cách chung nhất thì tích cách lạc quan có nghĩa là luôn nuôi dưỡng hy vọng, luôn tin tưởng vào bản thân, có một niềm tin chắc chắn rằng bản thân đang làm những điều đúng đắn và kiên định mục tiêu đã đặt ra. Thế nhưng, bạn sẽ không thể khiến thị trường chứng khoán đi theo con đường bạn đã chọn chỉ bằng cách tin tưởng chắc chắn vào con đường đó.
Trong thị trường chứng khoán, bạn chẳng là gì ngoài một giọt nước trong vô số các con sóng sự kiện lớn nhỏ. Vì thế, lạc quan ở đây không có nghĩa là niềm tin rằng những con sóng sẽ cập bờ đúng lúc và đúng cách bạn muốn, mà là niềm tin rằng bạn có thể lướt cùng với chúng mà không để bị rớt lại đằng sau. Sự lạc quan chỉ dựa trên lòng quyết tâm chỉ là sự ngoan cố mà thôi.
4. Mục đích chính của bạn phải là luôn giữ cho đầu óc minh mẫn và tỉnh táo. Do đó, đừng hành động vội vã dựa trên những thông tin cảm tính bề ngoài, đừng mua hay bán với khối lượng quá lớn đến nỗi phải lo lắng vì nó và để bị ảnh hưởng bởi trạng thái của chính mình trên thị trường.
5. Hãy hành động dựa trên đánh giá của bản thân hoặc dựa hoàn toàn vào đánh giá của người khác.
6. Khi còn nghi ngờ, hãy rời xa thị trường. Trì hoãn sẽ đỡ tốn kém hơn là thua lỗ.
7. Hãy cố gắng nắm bắt xu hướng cảm xúc. Dù nó có thể tạm thời đi ngược lại những gì các yếu tố cơ bản đang chỉ ra nhưng đi ngược lại nó không phải là một phương cách hiệu quả (Tôi không đồng ý với quan điểm này của tác giả, có lẽ tác giả thiên về ý “linh cảm” của nhà đầu tư, tuy nhiên khi nhà đầu tự tin vào “linh cảm” nó không khác gì cuộc chơi 5 ăn 5 thua).
8. Sai lầm lớn nhất của chín mươi chín trong số một trăm nhà kinh doanh đó là tin tưởng rằng thị trường sẽ còn đi lên khi nó đã ở đỉnh và còn đi xuống khi đã ở đáy. Vì vậy, đừng theo đuổi những gì bạn cho là không còn hợp lý, cho dù lợi nhuận mà bạn mất đi nếu không làm như thế có lớn đến đâu.
IV. Kết bài
Khi tham gia thị trường chứng khoán lâu dài, bạn sẽ nhận thấy thử thách lớn nhất của một nhà đầu tư chứng khoán không phải là thiếu kiến thức hay thông tin; phần lớn kiến thức và thông tin trên thị trường có thể vừa đủ cho nhà đầu tư tham gia kiếm lợi nhuận. Vấn đề của nhà đầu tư cần khắc phục chính là kiểm soát tâm lý của bản thân. Nhà đầu tư cần giữ nguyên kỷ luật giao dịch đã đặt ra, để tâm nghiên cứu thị trường, vững lòng trước những thất bại.
Hãy cứ kiên trì gieo trồng, rồi quả ngọt sẽ đến!