Một trong những câu nói truyền tai lâu đời nhất ở phố Wall là :” Cắt lỗ ngắn, thả cho lãi tiến lên”. Nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn làm điều ngược lại. Vội vã bán hết “hàng” khi giá mới tăng chút đỉnh chỉ để xem giá tăng lên cao hơn. Hoặc cố ôm “hàng” khi giá mới vừa giảm một chút chỉ để nhìn tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Từ “hàng” ở đây có thể là cổ phiếu, ngoại tệ, vàng, hàng hóa,….
Không một nhà đầu tư nào cố tình mua “hàng” khi mà họ nghĩ giá sắp xuống. Tuy nhiên, trong thực thế đầu tư thì rất khó tránh khỏi chuyện đó. Do đó một nhà đầu tư giỏi không phải là người giỏi tránh bị lỗ mà là người có thể giảm thiểu số lỗ của mình để thành công với những danh mục đầu tư còn lại của mình.
Tại sao nhiều nhà đầu tư cố giữ “hàng” với số lỗ ngày càng lớn?
Mặc dù trong chiến lược của nhà đầu tư nào cũng có cụm từ “ dừng lỗ đúng lúc” nhưng dường như khi đầu tư thực tế đa phần họ đều “quên” mất hoặc không chịu tin là mình đã quyết định sai. Và dĩ nhiên, họ chắc chắn kết thúc với số lỗ nhiều hơn dự định rất nhiều. Nếu may mắn thì họ chỉ bị giam vốn trong đống hàng đó một thời gian, hoặc tệ nhất là giá ngày càng giảm và không bao giờ phục hồi lại được nữa.
Thông thường, những nhà đầu tư như vậy đưa ra rất nhiều lý do cho việc thua lỗ. Chẳng hạn như “vào thị trường không đúng thời điểm” hoặc đơn giản chỉ là xui xẻo mả thôi. Hiếm khi nào họ tin rằng thua lỗ đến từ nhận thức đầu tư của họ.
Cùng điểm qua một số suy nghĩ sai lầm cho việc không cắt lỗ
- Giá luôn luôn hồi trở lại, phải không?
Thị trường lúc lên lúc xuống, nhưng chẳng có gì chắc chắn giá sẽ hồi trở lại mức cũ. Rất dễ nhận thấy, hãy xem biểu đồ sản phẩm mà bạn đang đầu tư.
Hoặc là trên thị trường chứng khoán Việt Nam, rất dễ dàng tìm thấy những mã cổ phiếu có giá bằng một “ly trà đá”. Có những nhà đầu tư vẫn ôm hàng hy vọng giá phục hồi. Thực tế là nhiều công ty không bao giờ có thể lấy lại vị thế cũ, thậm chí là phá sản. Giá trị cổ phiếu cũng bay theo.
- Không chấp nhận là mình đã sai.
Không chịu xả hàng khi đang lỗ, nhiều nhà đầu tư không chấp nhận rằng mình đã phán đoán sai lầm. Họ tự huyễn hoặc mình rằng, đó chưa phải là lỗ thực chừng nào chưa tất toán trạng thái.
Cứ thế, họ gồng mình chịu đựng đợi cho đến khi giá quay ngược trở lại, chốt lời và khẳng định rằng:” Tôi không hề sai, tôi vẫn có lãi”, như thể họ chưa từng quyết định sai lầm. Đáng tiếc thay, nhiều nhà đầu tư như vậy phải âm thầm ngậm “trái đắng”.
- Thờ ơ
Điều này dễ xảy ra trên thị trường chứng khoán. Khi hầu hết các mã cổ phiếu đang nắm giữ đều có lãi, nhà đầu tư có cảm giác như khu vườn của mình đang đâm hoa kết trái và tận hưởng thành quả. Điều đó thật tuyệt vời.
Tuy nhiên đến khi nhiều mã không duy trì được mức lãi, nhiều nhà đầu tư lại nản lòng, và bỏ bê luôn những mã đang có lãi. Trong khi điều họ cần làm là loại bỏ những mã không có lãi và giữ lại những mã triển vọng thì họ lại để cho số lỗ vượt ngoài tầm kiểm soát.
- Hy vọng “mùa xuân vĩnh cửu”
Hy vọng là niềm tin vào một kết quả tích cực, mặc dù thực tế đang đi ngược lại. Hy vọng cũng được nhắc đến nhiều trong triết lý cuộc sống hoặc trong tôn giáo khiến cho cuộc sống tươi đẹp hơn. Cuộc sống vốn không thể thiếu hy vọng, nhưng nó lại không thể tồn tại trong môi trường “lạnh như băng” của thị trường tài chính.
Có những nhà đầu tư quyết tâm “gồng” để giữ trạng thái với một hy vọng mờ nhạt là giá sẽ phục hồi để đỡ lỗ hoặc hòa vốn. Quyết định như vậy không dựa trên chiến lược hoặc sự phân tích hợp lý. “Hy vọng” giá sẽ phục hồi không làm cho điều đó xảy ra.