Bài viết thuộc loạt bài viết “Hướng dẫn đầu tư chứng khoán cho nhà đầu tư từ cơ bản đến nâng cao”. Loạt bài viết được sắp xếp theo trình tự từ cơ bản đến nâng cao, bạn hãy Click vào đây để theo dõi tổng hợp các bài viết.
Ngoài ra, nếu bạn là khách hàng Mở tài khoản tại công ty chứng khoán Yuanta (Chi tiết Click tại đây), tôi sẽ có thể hướng dẫn bạn trực tiếp xây dựng chiến lược đầu tư chứng khoán phù hợp nhất với bạn và cùng bạn lựa chọn danh mục đầu tư ban đầu theo chiến lược đã đề ra (chi tiết đến từng click chuột, cầm tay chỉ việc).
Liên hệ: Mr.Trung 0984048218 (SMS/Zalo).
Phần 1. Tổng quan Kế hoạch đầu tư chứng khoán
1. Tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch
Việc lập Kế hoạch đầu tư là một yếu tố thiết yếu cho sự thành công của các nhà đầu tư, đặc biệt trong môi trường chứng khoán đầy biến động. Một Kế hoạch đầu tư rõ ràng không chỉ giúp định hướng cho các quyết định tài chính, mà còn gia tăng khả năng quản lý rủi ro. Khi các nhà đầu tư có một chiến lược cụ thể sẽ tạo ra sự tự tin và giảm thiểu cảm giác bất an khi thị trường thay đổi.
Hơn nữa, Kế hoạch đầu tư còn thúc đẩy tính kỷ luật trong đầu tư. Việc tuân thủ theo kế hoạch giúp các nhà đầu tư không bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc nhất thời hoặc các xu hướng thị trường tạm thời. Thay vì chạy theo đám đông, họ có thể kiên nhẫn chờ đợi các cơ hội đầu tư phù hợp với mục tiêu đã đề ra. Điều này không chỉ giúp tạo ra lợi nhuận bền vững mà còn giảm thiểu các sai lầm tốn kém do hành động thiếu suy nghĩ.
Cuối cùng, một Kế hoạch đầu tư hiệu quả còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi và điều chỉnh các chiến lược đầu tư. Các nhà đầu tư dễ dàng nhận biết được những điểm mạnh và điểm yếu trong chiến lược của họ, trong kiến thức và biết là mình cần phải cải thiện điều gì để thành công. Điều này cho phép họ thực hiện các điều chỉnh cần thiết nhằm tối ưu hóa hiệu suất đầu tư và hạn chế thiệt hại.
2. Các yêu cầu của một kế hoạch
2.1. Kế hoạch đầu tư cần được viết ra
Việc ghi ra Kế hoạch đầu tư chứng khoán là một bước quan trọng mà các nhà đầu tư không nên bỏ qua. Phải đến 90% (trong đó có tôi) luôn đầu tư mà không có kế hoạch gì hoặc có nhưng mọi suy nghĩ đều để trong đầu.
Bạn có nhận thấy khi bạn đọc cuốn sách về Warren Buffett, bạn muốn trở thành nhà đầu tư dài hạn và thành công như ông, nhưng sau khi tham gia thị trường chỉ vài tháng bạn lại thấy mình trở thành nhà đầu cơ đúng nghĩa, thậm chí còn hơn cả đầu cơ vì nhà đầu tư chỉ xác định mua bán theo T+ (tính theo 5 – 10 ngày). Điều này không phải là xấu nếu bạn xác định đi theo trường phái đầu cơ ngay từ đầu mà xấu là bạn tham gia đầu cơ mà không trang bị tý kiến thức gì về đầu cơ cả.
Ngược lại một số bạn mua cổ phiếu để đón sóng đầu cơ, như thị trường sắp tăng, do thị trường đã break kênh giá theo phân tích kỹ thuật nhưng sau đó cổ phiếu lại giảm không như dự đoán của bạn và bạn lại tự thuyết phục mình trở thành nhà đầu tư dài hạn nắm giữ cổ phiếu lâu dài chờ ăn cổ tức.
Vấn đề tôi không nói bạn có thành công hay không vì đôi khi thị trường chứng khoán rất khó lường, việc bạn tưởng sai nó lại là đúng và ngược lại nhưng việc ta hành động mà không có dự tính từ trước thì công cuộc đầu tư của ta không khác gì đánh bạc và làm tâm trí của chúng ta luôn rối loạn, bất an.
Do vậy việc trước tiên cần làm khi bạn tham gia thị trường chứng khoán là bạn phải xây dựng Kế hoạch đầu tư, nó không cần phải quá hoàn hảo, nhưng cần rõ ràng và chi tiết, cần được viết ra để lưu lại. Để rồi trên hành trình đầu tư của bạn bạn có cơ hội gọt giũa bản kế hoạch của mình để ngày càng phù hợp với bạn hơn, hiệu quả hơn.
2.2. Kế hoạch cần cụ thể, rõ ràng
Một kế hoạch cụ thể và rõ ràng không chỉ giúp nhà đầu tư xác định phương hướng mà còn tạo ra sự ổn định trong lượng tài chính cần thiết để theo đuổi mục tiêu. Đầu tiên, nhà đầu tư cần xác định rõ mục tiêu đầu tư của mình. Mục tiêu này có thể bao gồm việc tích lũy tài sản, tạo ra thu nhập thụ động hay chuẩn bị cho thời gian nghỉ hưu. Xác định mục tiêu giúp nhà đầu tư có cái nhìn tổng quát hơn về số tiền cần đầu tư và thời gian dự kiến để hoàn thành.
Sau khi đã thiết lập mục tiêu, bước tiếp theo là xác định số lượng vốn đầu tư cũng như thời gian mà nhà đầu tư dự định sẽ duy trì khoản đầu tư này. Người đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng về khả năng tài chính cá nhân để không rơi vào tình trạng đầu tư mạo hiểm, đồng thời vẫn đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng. Ngoài ra, việc xác định khoảng thời gian đầu tư, có thể là ngắn hạn hoặc dài hạn, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự lựa chọn các công cụ chứng khoán phù hợp.
Cuối cùng, phong cách đầu tư cũng đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch. Nhà đầu tư nên xem xét các phong cách khác nhau như dài hạn, ngắn hạn, hay giao dịch lướt sóng để xác định phong cách phù hợp nhất với bản thân. Điều này không chỉ giúp xác định loại chứng khoán cần đầu tư mà còn giúp nhà đầu tư cảm thấy thoải mái và tự tin trong quyết định của mình. Tóm lại, một Kế hoạch đầu tư cụ thể và rõ ràng là nền tảng không thể thiếu cho bất kỳ nhà đầu tư nào muốn thành công trong lĩnh vực chứng khoán.
2.3. Kế hoạch đầu tư cần khả thi
Tính khả thi của một Kế hoạch đầu tư chứng khoán là một yếu tố quyết định đến sự thành công lâu dài của nhà đầu tư. Để đánh giá tính khả thi, trước hết, yếu tố tài chính cá nhân là điều cần được xem xét kỹ lưỡng. Nhà đầu tư cần xác định nguồn vốn sẵn có và khả năng chịu đựng rủi ro. Việc có một danh mục đầu tư đa dạng có thể giúp giảm thiểu rủi ro nhưng cũng yêu cầu phải có nguồn vốn đủ lớn. Khả năng sẵn sàng của nhà đầu tư để chấp nhận các mức độ rủi ro khác nhau sẽ ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư của họ.
Thời gian mà nhà đầu tư có thể dành cho việc theo dõi và quản lý các khoản đầu tư cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tính khả thi của kế hoạch. Kế hoạch đầu tư cần phải đồng bộ với thời gian mà nhà đầu tư có thể dành ra để đánh giá từng cổ phiếu, theo dõi diễn biến thị trường và điều chỉnh danh mục khi cần thiết. Thời gian đầu tư càng dài, khả năng tăng trưởng và hoàn vốn có thể càng cao. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư có ít thời gian, các lựa chọn đầu tư thụ động hoặc quỹ chỉ số có thể là lựa chọn thực tế hơn.
Cuối cùng, kết quả mong muốn cũng cần phải được cân nhắc. Một Kế hoạch đầu tư phải thể hiện rõ ràng các mục tiêu cụ thể mà nhà đầu tư muốn đạt được. Việc đưa ra các mục tiêu thực tế, có thể đo lường được sẽ giúp nhà đầu tư có cơ sở để theo dõi tiến độ và điều chỉnh kế hoạch khi cần. Tất cả những yếu tố này kết hợp với nhau sẽ tạo thành một Kế hoạch đầu tư chứng khoán khả thi và hiệu quả.
2.4. Kế hoạch đầu tư cần có sự điều chỉnh khi cần thiết
Thị trường chứng khoán luôn biến đổi, mang đến những thách thức và cơ hội mới cho các nhà đầu tư. Do đó, việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, khi các yếu tố kinh tế và điều kiện thị trường thay đổi. Là một nhà đầu tư, bạn cần có khả năng nắm bắt những thay đổi này và điều chỉnh chiến lược của mình để duy trì tính linh hoạt và đạt được những mục tiêu tài chính đã đề ra.
Tuy nhiên nếu điều chỉnh kế hoạch quá thường xuyên thì kế hoạch sẽ không còn mang nhiều ý nghĩa nữa. Vì nguyên tắc tối quan trọng là “kế hoạch đặt ra để tuân theo”. Do vậy tôi đề xuất các thời điểm nhà đầu tư xem xét việc điều chỉnh kế hoạch của mình cụ thể như sau:
– Xem xét việc điều chỉnh kế hoạch 06 tháng/lần. Dưới 06 tháng bạn cứ tuân thủ theo kế hoạch đã đặt ra kể cả có gặp những thua lỗ trong đầu tư. Để bạn không cháy tài khoản nếu kế hoạch sai lầm, bạn cần có mức cắt lỗ 8-10% với các cổ phiếu đã mua (Điều này phải được ghi ngay khi lập kế hoạch).
– Xem xét lại các tiêu chí lựa chọn cổ phiếu hoặc thời điểm mua cổ phiếu trong trường hợp bạn đã phải cắt lỗ 3 lần liên tục. Hoặc quá 5/10 lần mua cổ phiếu bạn phải cắt lỗ. Nếu số lần cắt lỗ của bạn dưới mức trên, bạn chưa cần điều chỉnh kế hoạch ngay.
2.5. Theo dõi các khoản đầu tư theo Kế hoạch đã đặt ra
Để thực hiện được kế hoạch thì việc thiết yếu là bạn phải theo dõi hoạt động của danh mục đầu tư của mình, việc này không chỉ giúp người đầu tư nhận ra những cơ hội mới mà còn cảnh giác với những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.
Tuy nhiên bạn lưu ý bạn không chỉ theo dõi cổ phiếu khi đã mua xong mà bạn cần ghi chép kỹ lý do tại sao mua cổ phiếu, chỉ khi bạn ghi chép lý do tại sao mình mua cổ phiếu thì bạn mới rõ lý do tại sao mình bán cổ phiếu đó đi. Kinh nghiệm đầu tư của tôi cho thấy nhà đầu tư thường ít gặp khó khăn khi mua, chủ yếu họ gặp khó khăn do bán sai thời điểm (không bán cắt lỗ, hoặc bán quá sớm khi cổ phiếu mới bắt đầu tạo ra lợi nhuận).
3. Các nội dung chính của một kế hoạch đầu tư
3.1. Xác định tình hình tài chính
Trước khi đầu tư, bạn cần nắm rõ liệu nguồn thu nhập hiện tại của mình có sẵn sàng cho việc đầu tư chứng khoán hay không. Bạn có thể xác định khoản tiền đầu tư dự kiến của mình bằng cách:
Khoản tiền đầu tư = (Các khoản tiết kiệm + Thu nhập sẵn có) – (Chi tiêu hàng tháng + Trích lập dự phòng đủ cho chi tiêu 3-6 tháng).
Sau khi xác định được khoản tiền có thể sử dụng cho việc đầu tư cổ phiếu, bạn cần xác định tỷ lệ giữa khoản tiền đầu tư dài hạn và đầu tư ngắn hạn, tỷ trọng phân bổ số vốn đầu tư như thế nào? (ví dụ trong tổng số vốn đầu tư thì bạn sẽ bỏ ra khoản tiền là bao nhiêu, bạn sẽ đi vay bao nhiêu, và khi cần bổ sung nguồn vốn thì bạn sẽ lấy nó từ đâu?).
Việc xác định số tiền đầu tư ban đầu rất quan trọng bởi vì nếu có rủi ro phát sinh trong quá trình đầu tư, tâm lý của bạn sẽ phản ứng dựa theo số tiền bạn bị thua lỗ.
3.2. Thiết lập mục tiêu đầu tư
Trước khi quyết định bỏ tiền ra để mua 1 cổ phiếu đầu tiên, điều quan trọng là phải xác định đúng mục tiêu đầu tư của bạn. Điều này sẽ giúp bạn xác định loại đầu tư nào là phù hợp để đạt được mục tiêu tài chính của mình.
Tương tự như các lĩnh vực đầu tư khác, trong đầu tư chứng khoán cũng tồn tại mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa lợi nhuận và rủi ro – Lợi nhuận kỳ vọng càng cao thì mức độ rủi ro tiềm ẩn càng lớn. Do vậy, bạn nên thiết lập mục tiêu lợi nhuận khả thi và tỷ lệ rủi ro mà bạn có thể chấp nhận. Thông thường, nhiều người sẽ không giao dịch trừ khi lợi nhuận tiềm năng ít nhất gấp ba lần mức độ rủi ro (ví dụ: nếu lợi nhuận mục tiêu của bạn nên là 15.000/cổ phiếu, thì điểm cắt lỗ của bạn là khi giá cổ phiếu giảm 5.000/cổ phiếu).
Bên cạnh đó, mục tiêu lợi nhuận cũng cần được thiết lập theo tuần, tháng, năm bằng giá trị thực hoặc theo tỷ lệ phần trăm của danh mục đầu tư, kèm theo đó là mức rủi ro có thể chấp nhận (thường 5-7% giá trị danh mục); và thường xuyên đánh giá lại chúng sau một khoảng thời gian đầu tư.
3.3. Xác lập thời gian bạn có thể dành cho chứng khoán
Bạn cần xác lập thời gian bạn có thể dành cho chứng khoán. Chắc chắn chứng khoán cũng chỉ là một công việc và nó cũng không nên chiếm hết thời gian của bạn, nhưng bạn cũng ko thể tuỳ hứng lúc tham gia lúc không, nên bạn nên xây dựng kế hoạch thời gian dành cho chứng khoán.
Trong đầu tư chứng khoán có các công việc tiêu tốn thời gian như sau:
– Thời gian theo dõi diễn biến thị trường, cổ phiếu: Theo tôi chỉ khi bạn là một daytrader hoặc nghề của bạn là chuyên gia phân tích cổ phiếu hàng ngày thì bạn mới cần nhìn bảng giá hàng ngày. Còn không bạn chỉ cần dành 5 phút mỗi ngày là đủ (thường là nên xem vào lúc kết thúc phiên giao dịch). Điều lạ lùng là dù đây đáng ra là bước tốn ít thời gian nhất, nhưng với đa số nhà đầu tư đây lại là hạng mục tốn thời gian nhất, họ dành quá nhiều thời gian cho công việc này và không làm gì ở các công việc còn lại.
– Thời gian theo dõi giá cả, biến động danh mục đầu tư, đọc báo cáo tài chính, thông tin các cổ phiếu mà bạn đang sở hữu. Tin tốt là các thông tin này thường không có nhiều. Và các Website sẽ cập nhật đầy đủ cho bạn. Tôi cũng khuyến nghị với các nhà đầu tư cá nhân để theo dõi sát sao các công ty, bạn chỉ nên mua từ 3-5 cổ phiếu là đủ. Thời gian theo dõi danh mục: 30 phút mỗi tuần.
– Thời gian nghiên cứu cổ phiếu, phân tích kỹ thuật:
+ Nếu bạn là nhà đầu cơ và có nhiều thời gian: 03h mỗi tuần.
+ Nếu bạn là nhà đầu tư dài hạn, cần thời gian để lọc cổ phiếu, phân tích báo cáo cổ phiếu: 08-10h mỗi tháng.
– Thời gian nghiên cứu tài liệu về chứng khoán
+ Nếu bạn không có nhiều thời gian: 01 cuốn sách về đầu tư mỗi 02 tháng, tương đương khoảng 5 – 10h đọc.
+ Nếu bạn có nhiều thời gian: 02 cuốn sách mỗi tháng không phải lựa chọn tồi. Khoảng 20h đọc.
Tổng kết lại: Trung bình 01 tháng, nếu bạn không có có quá nhiều thời gian, bạn có thể dành khoảng 20 – 25h làm việc/tháng cho chứng khoán, như vậy là đủ.
Nếu bạn có ít hơn thời gian hơn mức này, theo tôi bạn nên cân nhắc thực hiện Uỷ thác đầu tư cho nhà quản lý chuyên nghiệp hoặc mua các quỹ chỉ số cũng không phải là lựa chọn tồi.
3.4. Lựa chọn chiến lược đầu tư và lên danh sách cổ phiếu theo dõi.
Sau khi thiết lập được mục tiêu đầu tư thì bạn nên tạo cho mình một danh sách các mã cổ phiếu mà bạn muốn đầu tư và dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu tất cả các thông tin liên quan đến các công ty này (ví dụ: lịch sử và đặc điểm của công ty, tình hình tài chính, các chi tiết của đợt phát hành và tổ chức bảo lãnh phát hành). Bạn có thể tìm các thông tin này trong Bản cáo bạch, thông cáo phát hành, trong Báo cáo tài chính của công ty hoặc từ các công ty dịch vụ tư vấn đầu tư.
Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng các Phương pháp đầu tư như CANSLIM, Philips Fisher, SEPA, v.v để chọn lọc được các mã cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt.
Và điều quan trọng là tất cả các quyết định đầu tư chỉ nên đưa ra khi bạn đã có đủ cơ sở thông tin về khoản đầu tư của mình.
3.5. Tìm thời điểm mua cổ phiếu
Không phải cổ phiếu của một doanh nghiệp tốt lúc nào cũng đem lại gia tăng về giá trị. Sự thay đổi của cổ phiếu có tính chu kỳ theo diễn biến kinh tế, ngành nghề. Các yếu tố như chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước, tình hình chính trị, lạm phát ảnh hưởng lớn tới thị trường, tác động đến cung cầu trên thị trường chứng khoán.
Do đó, để có thể tìm được điểm mua thích hợp nhà đầu tư phải nắm bắt được phương pháp phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật trong đầu tư chứng khoán.
Có hai loại thời điểm:
– Thời điểm chung của thị trường: Các yếu tố như chu kỳ kinh tế, lãi suất lạm phát, hậu Covid,v.v… có thể được sử dụng để xác định thời điểm chung của thị trường.
– Thời điểm của từng loại cổ phiếu cụ thể: Các yếu tố như tin tức chia cổ tức, tăng vốn, báo cáo kết quả kinh doanh,v.v hoặc dùng phân tích kỹ thuật để xác định điểm mua.
3.6. Tìm điểm bán cổ phiếu
Khi đầu tư, mục đích cơ bản nhất là thu được lợi nhuận. Mua cổ phiếu mới chỉ là một nửa của quãng đường đầu tư, việc khi nào bán ra hay xác định “cách bán” cổ phiếu chính là nữa quãng đường còn lại và nó đóng vai trò quan trọng không kém.
Thời điểm bán cổ phiếu thường phụ thuộc vào mục tiêu lợi nhuận, mức lỗ chấp nhận, hoặc mục tiêu cổ tức của mỗi nhà đầu tư. Vì thế, trong đầu tư, một yếu tố quan trọng là tính kỷ luật.
Sau đây là một số nguyên tắc mà bạn có thể tham khảo và thực hiện:
– Bán khi đạt được mục tiêu lợi nhuận;
– Bán khi cổ phiếu giảm quá mức lỗ chấp nhận;
– Bán khi cổ phiếu không còn thỏa mãn các tiêu chí theo phương pháp giao dịch mà bạn chọn hoặc triển vọng tăng trưởng trong tương lai không còn hấp dẫn nữa.
Sau khi bán, dù cổ phiếu có tiếp tục tăng thì cũng đừng lấy làm tiếc. Hãy đầu tư theo nguyên tắc và kỷ luật!
3.7. Viết nhật ký giao dịch và ghi nhớ những vụ mua bán dù thành công hay thất bại
Sau mỗi giao dịch, bạn nên dành chút thời gian để tổng kết lãi/lỗ, ghi lại những bình luận, cảm xúc của mình vào cuốn sổ nhật ký. Ghi lại chi tiết các giao dịch thắng/thua mình đã tham gia, tìm nguyên nhân của kết quả đó để rút kinh nghiệm cho những lần sau. Điều này sẽ giúp bạn tăng thêm kinh nghiệm và tâm lý vững vàng trong những lần giao dịch kế tiếp.
Xây dựng được một Kế hoạch đầu tư thích hợp thật không dễ dàng, đặc biệt là đối với những nhà đầu tư mới. Do đó, bạn cần biết rõ bản thân mình và thử phân tích theo các vấn đề nêu trên trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Và khi đã quyết định đầu tư, bạn cũng nên có sự điều chỉnh mục tiêu, chiến lược một cách linh động để phù hợp với những biến động của thị trường và gia tăng lợi nhuận.
Phần 2. Lập Kế hoạch đầu tư thực tế
Vậy là chúng ta đã đi đến bước cuối cùng. Sau khi đã đọc rất nhiều kiến thức về chứng khoán, việc cuối cùng trước khi bắt tay vào mua cổ phiếu là chúng ta phải tự xây dựng kế hoạch đầu tư cho mình.
Bước lập kế hoạch đầu tư này, tuỳ vào điều kiện hoàn cảnh, tính cách của mỗi người sẽ có sự khác nhau. Tôi sẽ gửi đến bạn kế hoạch của tôi (không phải để làm mẫu) mà để bạn có sự tham khảo và từ đó các bạn có thể chỉnh sửa hoặc bổ sung cho kế hoạch đầu tư của các bạn.
1. Ngân sách đầu tư
– Vốn đầu tư ban đầu: 100 triệu.
– Hàng tháng bổ sung từ: 3-5 triệu.
2. Định hướng đầu tư
Đầu tư dài hạn, hướng đến mức lợi suất trung bình 20%/năm.
3. Thời gian dành cho chứng khoán:
Thời gian dành cho chứng khoán: Từ 9h-16h từ thứ 2 – thứ 5 hàng tuần.
Thời gian còn lại: xử lý các công việc kinh doanh khác và dành cho gia đình.
4. Kế hoạch mua cổ phiếu
4.1. Hệ thống lọc cổ phiếu
Sử dụng các hệ thống có sẵn tại các website và từ báo cáo tài chính lọc ra các cổ phiếu đáp ứng các tiêu chí sau:
– Tiêu chí lọc: ROE>25%; ROA>15%; Nợ/Vốn chủ sở hữu<100%; P/E<50% P/E giới hạn; EPS>3000 VND.
Cách tính P/E giới hạn = 100%*0,7/Lãi suất ngân hàng VCB kỳ hạn 12 tháng = 15,2 (Số liệu tại ngày 18/10/2024).
– Ngành nghề lựa chọn: Không giới hạn, trừ nhóm ngành tài chính, ngân hàng, bất động sản.
– Cả Doanh thu và Lợi nhuận trong 3 năm gần nhất ổn định hoặc tăng trưởng.
– Ban lãnh đạo gắn bó với doanh nghiệp (có thời gian công tác tại doanh nghiệp trên 10 năm).
– Doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 15 năm.
Lưu ý: Chỉ mua cổ phiếu khi cổ phiếu đạt đủ các tiêu chí trên và trong trường hợp có nhiều hơn 3 cổ phiếu đạt đủ các tiêu chí ta chọn cổ phiếu theo các mốc ưu tiên từ trên xuống như sau:
– Cổ phiếu có doanh thu tăng dần qua các năm;
– Cổ phiếu có lợi nhuận tăng dần qua các năm;
– EPS càng cao càng tốt.
4.2. Thời điểm mua cổ phiếu
Do đầu tư dài hạn nên không quá quan trọng thời điểm mua cổ phiếu, như tôi sẽ không mua khi:
– Thị trường đang có xu hướng giảm rõ rệt, hoặc
– Khi P/E thị trường = P/E giới hạn; Hiện P/E thị trường = 14,3 (ngày lấy số liệu 18/10/2024) Nguồn https://simplize.vn/chart?ticker=VNINDEX
Hiện tại thị trường đang có xu hướng đi lên nên tôi vẫn nghiêng về xu hướng mua và nắm giữ.
4.3. Cách mua cổ phiếu
– Số lượng tối đa: 03 cổ phiếu (mua mỗi loại cổ phiếu không chiếm quá 40% danh mục đầu tư).
– Khi mua cổ phiếu:
+ Mua trong các phiên tăng điểm.
+ Mua làm 03 lần với tỷ lệ 4-3-3 (40% lần đầu, cổ phiếu tăng tiếp mua thêm 30%; tiếp tục tăng mua 30% cuối cùng).
5. Kế hoạch bán cố phiếu
Sau khi đã mua cổ phiếu tôi sẽ chỉ bán cổ phiếu khi rơi vào 01 trong các trường hợp sau:
– Bán cắt lỗ.
– Khi mức giá cao nhất của cổ phiếu đã tăng 20% và hiện đã giảm xuống 15% so với mức cao nhất.
– Doanh thu/Lợi nhuận gộp có sự sụt giảm 02 năm liên tiếp hoặc lợi nhuận Quý giảm trên 30% so với cùng kỳ.
– Nợ/Vốn chủ sở >1.
– P/E cổ phiếu > 70% P/E giới hạn.
– P/E thị trường > P/E giới hạn.
– Phân tích kỹ thuật: RSI cắt từ trên 70 xuống qua 70.
6. Thời gian điều chỉnh kế hoạch
Tôi sẽ thực hiện điều chỉnh kế hoạch trong 02 trường hợp sau:
– Định kỳ xem xét lại kế hoạch trong khoảng thời 06 lần.
– Nếu phải cắt lỗ liên tiếp 03 giao dịch, hoặc trên 05 lần tôi sẽ bắt tay vào rà soát kế hoạch để tìm cổ phiếu và điểm mua tối ưu hơn.
Ghi chép các hoạt động: File word; File excel.